Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5 đến 8%

Thúy Nga| 07/12/2021 11:11

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 277/CTr-UBND về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Chương trình nhằm quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố, Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Từ đó, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chương trình xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5 đến 8%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động 7-7,5%; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 80-85%; số giường bệnh/vạn dân là 30-35; số bác sĩ/vạn dân là 15; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu 100%.

Về diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%. Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội đạt 30%. Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30-35%...

Chương trình cũng đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, có đề cập một số cân đối lớn, cụ thể về thu - chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 1.405 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cần huy động trên 3 triệu tỷ đồng. Đầu tư từ ngân sách thành phố khoảng 299,2 nghìn tỷ đồng (48,75% tổng chi ngân sách địa phương).

Về sử dụng đất, thành phố sẽ cơ cấu việc sử dụng đất tiếp tục thay đổi theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp. Đến năm 2025, diện tích lúa cả năm còn khoảng 140.000ha; chuyển đổi khoảng 25.000ha diện tích lúa sang các hình thức sử dụng khác có hiệu quả hơn.

Đối với tạo việc làm mới, mỗi năm cần tạo ra khoảng 22 nghìn việc làm mới, đồng thời, giới thiệu, giải quyết việc làm trung bình cho khoảng 160 nghìn người để bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%. Dự kiến, tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng lao động xã hội khoảng 10%.

Đối với điện thương phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt: Đến năm 2025, sản lượng điện thương phẩm khoảng 29,9 tỷ kWh, bình quân khoảng 3.300kwh/người. Bảo đảm bán kính cấp điện tại khu vực đô thị không quá 250m, khu vực nông thôn, vùng núi không quá 600m; tỷ lệ các trạm biến áp cấp điện áp 110kV vận hành không người trực, điều khiển từ xa đạt 100%. Giảm chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp còn dưới 150 phút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5 đến 8%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.