Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đáp ứng đủ yêu cầu thành lập Đại học của Thủ đô

T.Hoa| 12/04/2012 20:37

(HNMO)- Một số vướng mắc trong công tác GPMB xây dựng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ tại Hòa Lạc và đề xuất thành lập Trường ĐH của Thủ đô  là những vấn đề được bàn thảo nhiều tại buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT và UBND TP Hà Nội vào chiều 12/4.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội luôn nằm trong Top cao của cả nước


Báo cáo về tình hình GD-ĐT Hà Nội năm học 2011-2012, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc sở GD-ĐT cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Bộ GD-ĐT, các Bộ, ngành đoàn thể TƯ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBNDTP, sự nghiệp giáo dục, đào tạo thủ đô đã có những bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước.

UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo ngành Giáo dục triển khai tốt 7 nhiệm vụ trong tâm năm học đề ra. Đối với từng cấp, bậc học, Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội cũng đưa ra những thành tựu cũng như còn một số vướng mắc trong thời gian qua.

Đặc biệt, đối với việc xây dựng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ, ông Độ cũng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong GPMB. Cụ thể, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 65ha, trong đó 39ha là đất doanh trại, bãi tập do 2 đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Pháp binh quản lý, sử dụng và 26ha là đất khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp do UBND xã Tân Xã quản lý.

Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích 39ha chưa có quyết định thu hồi đất của BQL Khu CNC Hòa Lạc. Trong 26ha còn lại thì mới chỉ bồi thường và bàn giao mặt bằng cho BQL Khu CNC Hòa Lạc được 5ha, diện tích còn lại chưa thực hiện được do những vướng mắc về chính sách bồi thường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã cùng đại diện các Vụ, cục, ban, ngành có liên quan bàn thảo tìm hướng giải quyết những vướng mắc, khó khăn nêu trên để sớm có mặt bằng thực hiện dự án.

Về việc thành lập trường ĐH của Thủ đô trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, theo ông Độ, hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có nhiều trường ĐH, song các trường đó đều thực hiện kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ chung do Bộ GD-ĐT chỉ đạo và những định hướng riêng của mỗi trường. Thủ đô cần có trường ĐH riêng vì để Hà Nội chủ động kế hoạch đào tạo giáo viên và cán bộ các ngành khác trình độ ĐH và trên ĐH theo yêu cầu số lượng, trình độ chuyên ngành…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, sau 13 năm tích cực chuẩn bị, hiện trường đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, điều kiện do Bộ đưa ra. Do đó, đề nghị Bộ giúp đỡ, ủng hộ TP trình Chính phủ cho phép thành lập trường ĐH Thủ đô theo hướng đào tạo đa ngành, trình độ và chất lượng cao.

Ngoài 2 vấn đề trên, ngành Giáo dục Hà Nội cũng kiến nghị lên Bộ GD-ĐT nhiều đề xuất khác. Trong đó có đề nghị Bộ sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cho các trường thực hiện mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao phù hợp với mỗi cấp học và trình độ đào tạo để có cơ sở xác định mức thu đối với mô hình này.

Đề nghị Bộ cho phép trường THPT Chu Văn An của Hà Nội được đào tạo hệ học sinh dân tộc, mở một số lớp cho học sinh dân tộc của một số tỉnh phía Bắc theo cơ chế cử tuyển; Bộ cho phép Hà Nội được thí điểm tổ chức các trường Quốc tế do người Việt Nam làm chủ đầu tư, dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài và học sinh Việt Nam.

Trước các đề xuất, kiến nghị của ngành Giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng Hà Nội cần kiên quyết hơn trong vấn đề học thêm, dạy thêm và dạy trước lớp 1. Còn vấn đề trường chất lượng cao, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn vấn đề này nhưng Thứ trưởng Hiển cũng nhấn mạnh mọi điều kiện của trường chất lượng cao đều dựa trên các quy định của trường chung được nâng cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đáp ứng đủ yêu cầu thành lập Đại học của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.