Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội dành nguồn lực tối đa để phát triển kết cấu hạ tầng

Tuấn Lương| 08/05/2015 13:36

(HNMO) - Sáng nay (8-5), Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách và pháp luật về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô.

 Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc



Theo báo cáo của UBND TP, những năm qua, hệ thống hạ tầng GTVT của Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực. Từ năm 2006 đến nay, TP đã triển khai và hoàn thiện đưa vào sử dụng 7 cầu vượt; hoàn thành dứt điểm và đưa vào khai thác hơn 70 công trình quan trọng với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… TP cũng đã phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành các dự án quan trọng như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài-Lào Cai… Tỷ lệ diện tích dành cho giao thông tăng từ 07% (năm 2008) lên 8,36% (năm 2014) so với diện tích đất xây dựng đô thị. Dự kiến đến hết năm 2015 tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng, TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó đã giảm số điểm ùn tắc từ 124 điểm (năm 2011) xuống còn 46 điểm (năm 2014). Trong giai đoạn 2010-2015 đã phát triển thêm 6 tuyến buýt có trợ giá (từ 65 tuyến lên đến 71 tuyến), dự kiến đến hết năm 2015 phát triển thêm 3 tuyến với tổng số 1.480 xe. Đồng thời tăng cường quản lý và tổ chức tốt hoạt động taxi…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: TP luôn tuân thủ quy hoạch và thực hiện các quy hoạch một cách bài bản, kết hợp hài hòa các luật nhằm bảo đảm hài hòa nhất. Hà Nội cũng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chống ùn tắc giao thông và đến nay nhiều nghị quyết, chương trình đã đi vào cuộc sống, được người dân đánh giá cao. Nhiều tuyến đường mới mở mặc dù bị dư luận kêu là tốn kém nhưng thực tế khi làm xong đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, hiệu quả KT-XH là không thể đo đếm. Chủ trương của TP là dành nguồn lực tối đa để phát triển kết cấu hạ tầng, từ hạ tầng khung, hạ tầng đô thị cho đến hạ tầng nông thôn, tạo nguồn lực phát triển nông thôn mới. Cùng với đó tập trung phát triển giao thông tĩnh, vận tải công cộng…

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng, Hà Nội cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu và triển khai các quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Để tháo gỡ, TP kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung điều chỉnh Luật Đường sắt; Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể tạo hành lang pháp lý trong việc kêu gọi, huy động mọi nguồn lực đầu tư, vốn xã hội hóa (BOT, BT, PPP…); xây dựng các hành lang pháp lý đầy đủ đề triển khai các dự án giao thông công cộng có khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, tàu điện một ray… TP cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đào tạo nhằm tăng cường năng lực quản lý, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý đô thị, quản lý và thực hiện quy hoạch; có giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đồng bộ với thực hiện quy hoạch giao thông; thực hiện đầu tư các dự án, công trình theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đầu tư dứt điểm để dự án phát huy hiệu quả đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội dành nguồn lực tối đa để phát triển kết cấu hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.