(HNMO) - Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10-1, toàn thành phố có 48.524 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó có 38.685 người (chiếm gần 80%) đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung và tại bệnh viện. Riêng 4.408 F0 điều trị tại bệnh viện có 467 trường hợp nặng, nguy kịch (tăng 17 ca so với ngày trước đó).
Cụ thể, trong số 48.524 F0 đang điều trị có 131 người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2; 218 người điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.003 người), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.286 người), cơ sở thu dung quận, huyện (5.550 người), theo dõi, cách ly tại nhà (38.685 người). Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 2 người.
Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 10-1, trong số 4.408 F0 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có 1.896 người nhẹ và không triệu chứng; 2.045 người ở mức độ trung bình và 467 người ở mức độ nặng và nguy kịch (tăng 17 ca so với báo cáo ngày 9-1). Trong số 467 người ở mức độ nặng và nguy kịch có 411 người thở mask, gọng kính; 14 người thở HFNC (thở ôxy dòng cao); 10 người thở máy không xâm lấn; 31 người thở máy xâm lấn; 1 người phải lọc máu.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến ngày 10-1, tỷ lệ tử vong/ca mắc của Hà Nội là 0,4%.
Còn theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca tử vong trong ngày 10-1 là 10 trường hợp (giảm 7 trường hợp so với báo cáo ngày 9-1). Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29-4 đến nay là 270 người.
Tình hình dịch tại Hà Nội được nhận định là diễn biến phức tạp với số ca mắc sẽ liên tục tăng, dẫn đến ca nặng, nguy kịch tăng. Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cần được tập trung thực hiện là tăng cường tiêm vắc xin; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Hiện nay, có một số gia đình tích trữ sẵn các thuốc điều trị Covid-19. Việc người dân tùy tiện sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị Covid-19 sẽ gây ra tác hại như thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, thuốc điều trị Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng vi rút đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Những trường hợp mắc Covid-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Đặc biệt, với thuốc kháng vi rút Molnupiravir, hiện đang sử dụng trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Do đó, các F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Thuốc này chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.