Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài: Nhờ phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Hồng Sơn| 28/06/2019 06:37

(HNM) - Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội tiếp tục vươn lên, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Trương Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về vấn đề này.

Dây chuyền sản xuất linh kiện cho sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam


- Xin ông cho biết kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2019 của thành phố Hà Nội?

- Có thể nói, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện đáng kể, nhờ đó đã đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 20-6, vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố Hà Nội đạt hơn 4,9 tỷ USD, chiếm hơn 28,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký của cả nước. Ước tính 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đạt khoảng 5,3 tỷ USD; trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của Dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí đa năng - Trường đua ngựa, với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quyết định chủ trương đầu tư.

Tính chung đến hết tháng 5-2019, lũy kế vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội đạt 41,2 tỷ USD. Riêng vốn đã giải ngân khoảng 20,5 tỷ USD (chiếm 49,7% tổng vốn đăng ký).

- Theo ông, nguyên nhân nào giúp thành phố Hà Nội đạt được những kết quả trên?


- Để đạt được kết quả kể trên, trước hết là nhờ lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Đáng chú ý như: Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.

Thành phố cũng đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như các hoạt động đối ngoại, văn hóa, ẩm thực. Trong đó, thành phố xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; chọn lựa các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Hà Nội. Cùng với đó, thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch - là cơ quan chuyên trách thực hiện các hoạt động trên...

- Ông có thể đánh giá về những đóng góp của đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô?

- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với ưu thế tiềm lực về tài chính, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn vốn này có xu hướng tăng trong cơ cấu tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của thành phố trong những năm qua. Dòng vốn này gia tăng theo từng năm đã góp phần giúp thành phố hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng dân số trẻ.

Mặt khác, khu vực đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, có một số dự án lớn, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, như: Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông (Nhật Bản), có vốn đầu tư 192,5 triệu USD; Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc), có số vốn đầu tư 200 triệu USD...

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới?

- Năm 2019, tình hình thế giới và khu vực có chuyển biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen. Hoạt động thương mại và đầu tư tiếp tục gia tăng do hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do có tính chất toàn cầu và khu vực, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mới nhất là việc Hội đồng châu Âu (EC) thông báo đã chấp thuận Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định này dự kiến sẽ được ký kết vào ngày 30-6 tới. Với việc nhiều dòng thuế suất được giảm về 0%, đây là lợi thế lớn để nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Tận dụng cơ hội này, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô. Đó là, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, như dịch vụ công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, du lịch, giáo dục - đào tạo... Năm nay, Hà Nội sẽ phấn đấu thu hút hơn 7,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài: Nhờ phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.