(HNMO) - Chiều 19-2, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Tham dự có Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
74 trường hợp nghi nhiễm đều âm tính với Covid-19
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 19-2, thế giới ghi nhận 75.202 người nhiễm Covid-19, trong đó có 2.010 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 2.004 trường hợp). Tại Việt Nam, trong số 16 người dương tính với Covid-19, đã có 14 trường hợp khỏi bệnh. Từ ngày 13-2 tới nay chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Số trường hợp giám sát tại bệnh viện là 74 người và đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện tại, còn 436 người phải tiếp tục cách ly, theo dõi.
Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, số ca mắc có chiều hướng giảm nhưng không ổn định. Nguy cơ dịch lan rộng tại các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là một số quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản đang diễn ra.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đánh giá, tình hình dịch tại Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, các địa phương vẫn cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng dịch và kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khoanh vùng xử lý sớm.
Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, như: Điều tra, khoanh vùng xử lý, tổ chức giám sát tại nhà và tại cộng đồng; bố trí khu vực cách ly tập trung cho 62 công dân Việt Nam đi về từ vùng có dịch; đã cấp phát hơn 2,4 triệu tờ rơi, hơn 43.000 pano, áp phích về phòng, chống dịch Covid-19…
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, công việc cần thiết trong thời điểm này là các địa phương cần tiếp tục các công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan trong công tác phòng dịch; tiếp tục vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình mình theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể tới các trường học các phương pháp phòng, chống dịch; cách sử dụng dung dịch hoá chất cho công tác khử khuẩn để tránh lãng phí mà vẫn bảo đảm hiệu quả…
Trao đổi tại cuộc họp, các quận, huyện: Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn, Thanh Trì… cho biết, đã thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch: Kiểm soát có hiệu quả những người đi từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần với những người bị bệnh hoặc nghi nhiễm; tiến hành phun khử khuẩn tại các trường học, cơ quan, đơn vị, khu chung cư, siêu thị, nơi công cộng; tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch…
Đóng góp ý kiến vào việc phòng, chống dịch Covid-19, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đề nghị, Hà Nội tiếp tục quản lý chặt việc giám sát, cách ly những người đi qua vùng dịch, tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Đối với những trường hợp cách ly tại nơi cư trú, các địa phương cần có biện pháp giám sát chặt. Với những trường hợp cách ly tập trung, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó cần vệ sinh, lau chùi thường xuyên các vật dụng, tay nắm cửa.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, thời gian tới cần tiến hành khử khuẩn tại các bến xe, nơi công cộng, khu vui chơi... Sở Y tế sẽ có hướng dẫn cho các nhà xe phương pháp phòng dịch, xử lý tình huống khi hành khách gặp vấn đề về sức khỏe.
Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia. Nhiều nơi có ca nhiễm bệnh nhưng không xác định rõ nguyên nhân... Chưa kể, dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh, hiện tại chưa có vắc xin. Vì thế, Hà Nội dù đang làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không được chủ quan, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực phòng, chống.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương cần quan tâm đến sức khỏe của người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp cao bởi đây là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao; tuyên truyền để người dân có biện pháp tăng cường sức khỏe; đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Các địa phương cần lồng ghép công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các loại dịch bệnh theo mùa, như cúm, sốt xuất huyết…, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh, khử khuẩn tại trường học, chung cư, siêu thị, nơi công cộng…
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục vận động người dân tự giác khai báo thông tin với cơ sở, thực hiện cách ly tại chỗ đối với những người đi và đến từ vùng dịch, tiếp xúc với nguồn bệnh…
Về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các trường hợp nhập cảnh, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp với các hãng hàng không để kiểm soát chặt chẽ điểm đến và đi của hành khách, sớm phát hiện những trường hợp đi, đến từ vùng dịch.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế cập nhật các trang thiết bị xét nghiệm tiên tiến, hiệu quả trên thế giới để rút ngắn thời gian xét nghiệm; tổng hợp phương pháp điều trị 16 bệnh nhân đã khỏi bệnh và còn đang điều trị để tìm ra được quy trình chữa bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần làm việc với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật tình hình, phương pháp chữa bệnh của các quốc gia để từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
“Hà Nội đặt mục tiêu bằng mọi biện pháp, phấn đấu trên địa bàn không để xảy ra trường hợp lây nhiễm bệnh, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất. Mọi biện pháp phòng, chống dịch vẫn phải được thực hiện tập trung, quyết liệt, không chủ quan”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Liên quan đến việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ xem xét tình hình, chỉ khi các phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm thì mới cho trẻ đi học trở lại. UBND thành phố Hà Nội sẽ quyết định việc này trong cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra vào chiều 21-2.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.