Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đã có dàn nhạc “trong mơ”

Thụy Du| 11/01/2015 06:42

(HNM) - Cuối cùng thì mơ ước thành lập một dàn nhạc thính phòng, quy tụ những tài năng trẻ của Việt Nam đã thành hiện thực...



PV Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn chỉ huy dàn nhạc - nghệ sĩ violon Nguyễn Khắc Thành về chặng đường sắp tới của dàn nhạc.

Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội là nơi quy tụ nhiều tài năng trẻ.


- Không phải là dàn nhạc duy nhất hoạt động trên địa bàn Thủ đô, Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội có “mảng miếng” gì riêng, thưa anh?

- Đó là sự hiện diện của 28 nhạc công trẻ và khá trẻ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hầu hết đều từng là thành viên của Dàn nhạc trẻ Châu Á, nhiều người đã đoạt giải thưởng âm nhạc danh tiếng trên thế giới. Trịnh Minh Hiền, Phạm Mai Anh, Nguyễn Việt Anh, Hoàng Thế Mạnh, Nguyễn Thư Hương, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Minh Hoàng... là những cây solo khá nổi hiện nay. Chúng tôi tập hợp với nhau, đến với nhau và cùng mong muốn đem âm nhạc hàn lâm đến gần khán giả Thủ đô bằng những chương trình chuyên nghiệp.

- Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội sẽ theo đuổi xu hướng nào của âm nhạc giao hưởng?

- Chúng tôi vẫn chọn con đường giới thiệu âm nhạc cổ điển của thế giới và Việt Nam. Các tiết mục sẽ nhiều màu sắc, trẻ trung, dễ nghe, dễ cảm song đòi hỏi kỹ thuật khó để cho thấy độ chuyên nghiệp và phô diễn tài năng của các nhạc công. Tôi dự định tổ chức chương trình theo chuỗi chủ đề. Số ra mắt là “Spring concert”, gồm những tác phẩm vui tươi, ấm áp. Tiếp theo là chuỗi chương trình về âm nhạc đồng quê, âm nhạc dân gian chuyển soạn cho dàn nhạc, hay có thể sẽ mời những ca sĩ nổi tiếng tham gia hát cùng dàn nhạc thính phòng. Dàn nhạc cố gắng sẽ có lịch diễn định kỳ theo tháng để tạo thói quen cho khán giả Thủ đô.

- Tại sao anh lại san sẻ niềm đam mê cả đời của mình là đứng trên sân khấu biểu diễn với việc lo tổ chức cho dàn nhạc với đủ chuyện “bếp núc”, vốn đòi hỏi nhiều tâm sức và thời gian?

- Tôi vẫn là một nhạc công biểu diễn trên sân khấu, vẫn dành thời gian thường xuyên để luyện tập, nâng cao trình độ cho riêng mình. Nhưng tôi cũng nhận thấy nhiều tài năng âm nhạc có ít cơ hội thể hiện khả năng của mình. Họ cần có một sân chơi riêng, bên cạnh những chương trình đã được lên lịch, hoạch định sẵn. Hơn nữa, khán giả Thủ đô luôn khao khát có được những buổi diễn âm nhạc cổ điển gần gũi hơn, mới mẻ hơn. Bởi vậy nếu mình có khả năng, có thể thu xếp được thì tại sao lại không dám dấn thân?

- Thành lập dàn nhạc “trong mơ” là một thành công lớn, nhưng việc duy trì hoạt động của cả một tập thể lớn có khiến anh lo lắng?

- Đó cũng là trăn trở của chúng tôi bởi đây hoàn toàn là một dàn nhạc độc lập. Thực ra, anh em trong dàn nhạc đều đang có “biên chế” trong các dàn nhạc lớn, ngay từ đầu đã không kỳ vọng kiếm sống qua việc góp mặt ở đây, mà chỉ muốn có một nơi để cùng chơi nhạc, được cống hiến cho khán giả. Lúc thành lập, ngoài uy tín, khả năng tập hợp, tôi còn có sự trợ giúp của những người bạn, dù không ở trong nghề nhưng họ rất quan tâm và muốn đầu tư vào âm nhạc cổ điển. Đã đi đến đây rồi, chẳng ai muốn sớm dừng lại dù biết, chặng đường sắp tới có nhiều khó khăn, may thay là ai cũng quyết tâm, xác định gian khổ mấy thì cũng ở bên nhau để cùng gánh vác.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã có dàn nhạc “trong mơ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.