(HNMO) - Chiều 18-1, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử là mục tiêu trọng tâm cần thực hiện mà Đảng bộ thành phố đã đề ra trong nhiệm kỳ này.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy Hà Nội ban hành trong 10 chương trình công tác lớn giai đoạn 2021-2025 là "Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số". Mục tiêu này đã được quán triệt sâu sắc trong nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành Thủ đô về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Nhanh chóng cập nhật thông tin, kết nối dữ liệu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án quốc gia về dân cư và căn cước công dân, đến nay, Hà Nội đã cập nhật được 99,5% thông tin công dân thường trú trên địa bàn thành phố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì thường xuyên bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; thu nhận trên 5,6 triệu dữ liệu cấp thẻ căn cước (đạt 97,7%) cho công dân trong độ tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn và thông báo số định danh cá nhân có tích hợp mã QR cho 1,9 triệu công dân (đạt 99,5%) chưa đến độ tuổi hoặc chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp. Việc cập nhật thông tin này để phục vụ công dân sử dụng trong các thủ tục hành chính (kết hôn, thuế, xử phạt vi phạm giao thông, đăng ký khai sinh, khai tử...), tiêm chủng, quét mã QR để khai bảo y tế, khai báo di chuyển...
Hà Nội đã triển khai ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với 7,4 triệu dữ liệu bảo hiểm xã hội; cập nhật và đồng bộ trên 7,9 triệu (đạt 60%), chủ yếu phụ thuộc vào Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 của công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh việc đồng bộ dữ liệu thông tin công dân diện F0, F0 khỏi bệnh để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm Covid-19 phải sử dụng chung phần mềm và tiến tới đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế phải xét nghiệm nhiều lần khi xét nghiệm còn hiệu lực, góp phần giảm chi phí cho xã hội, bảo đảm sức khỏe công dân.
Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, trong 1.843 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, có 556 thủ tục hành chính đã thực hiện ở mức độ 4 bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Trong năm 2021, nhiều ứng dụng trên nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Hà Nội triển khai mạnh mẽ như: Đăng ký cư trú trực tuyến, đăng ký phương tiện giao thông, đăng ký và kê khai thuế trực tuyến, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán bảo hiểm, cập nhật dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19, liên thông kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế, trợ cấp cho người dân và chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19....
Kết quả đã đem lại sự thuận tiện cho công dân khi thực hiện các giao dịch và hạn chế tối đa việc công dân phải đến trụ sở để giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời giảm được chi phí đi lại cho người dân, phòng, chống tiêu cực và góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị hành chính giảm rất nhiều về thời gian và nhân lực, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp...
Quyết tâm thực hiện bảo đảm tiến độ triển khai đề án
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 5 nhóm tiện ích nổi bật, trong đó xác định việc phục vụ cải cách dịch vụ công là điểm đột phá, thành phố Hà Nội nhận thức rằng đây là một quyết định rất đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả công tác an sinh xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 hiện nay.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, trong thời gian qua, Hà Nội nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ sát sao, quyết liệt và trách nhiệm của Bộ Công an và sự phối hợp của lực lượng Công an thành phố triển khai thực hiện 2 dự án lớn của Bộ Công an là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể và trực tiếp cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đốc đốc, trực tiếp đến cấp xã, phường, thị trấn... cùng với việc kiện toàn lại Ban Chỉ đạo theo đúng Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
"Thành phố xác định việc thực hiện đề án là một nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. UBND thành phố đã bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để thực hiện hầu hết các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của đề án trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ Hà Nội thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục tham mưu, xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để sửa đổi, bổ sung, thay thế, nhất là các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đồng bộ dữ liệu tiêm chủng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố quản lý, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thống sớm có hướng dẫn về quy chuẩn của thiết bị để triển khai ứng dụng quét mã QR trên thẻ căn cước công dân phục vụ các yêu cầu về phòng dịch, quản lý cán bộ và đảm bảo an ninh, trật tự.
Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, đánh giá toàn bộ dịch vụ công đang thực hiện để có hướng dẫn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất các phần mềm ứng dụng, kịp thời thay thế những hệ thống không còn phù hợp, không có khả năng kết nối liên thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.