(HNMO) – Hà Nội hiện đang có khoảng 117.000 doanh nghiệp (DN), nhưng chỉ có 82.000 DN có hoạt động đóng thuế, còn lại khoảng 10% DN hoạt động rất khó khăn. Chung tay cùng DN, chiều 25/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì buổi gặp gỡ các DN trên địa bàn TP nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động SXKD.
Phát biểu mở đầu tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT, 10 tháng đầu năm hoạt động SXKD được duy trì và tiếp tục phát triển, đạt 10,13%, gấp 1,67 lần mức chung của cả nước, ghi nhận sự cố gắng rất cao của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong bối cảnh nhiều biến động và khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TP vẫn còn những tồn tại hạn chế như chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cao đã ảnh hưởng đến đầu tư SXKD của nhiều DN, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng. Công tác quản lý xây dựng, nhà tái định cư, bán nhà thu nhập thấp còn nhiều bất cập. Các công trình hạ tầng xã hội ở nhiều khu đô thị mới chậm được xây dựng và thiều đồng bộ.
Mặt khác, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng lên rất nhanh đã làm quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông và gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Tiến độ triển khai một số dự án giao thông quan trọng còn chậm; tình trạng quá tại trong các bệnh viên, ô nhiễm môi trường, môi sinh.. chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, trật tự xây dựng, giữ gìn cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, môi sinh chưa thực sự có chuyển biến…
Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và do những yếu kém nội tại của nển kinh tế chung của cả nước. Nguyễn nhân chủ quan là do yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý doanh nghiệp, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Khắc phục những yếu kém nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong năm 2012, trong đó, Thành phố xác định 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, giải tỏa các điểm nút ùn tắc giao thông; Triển khai tích cực xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian chính của hội nghị đã dành thời gian chính cho các kiến nghị của doanh nghiệp và ý kiến giải đáp từ các sở, ban ngành của TP. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên phú (tại Cụm công nghiệp Hà Bình Dương, Thường Tín, Hà Nội), DN hiện đang chịu những khó khăn chung từ nền kinh tế như ảnh hưởng lạm phát cao, giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt từ 2008 đến nay, do mặt bằng lãi suất cao nên thiếu vốn tăng trưởng sản xuất. DN này kiến nghị TP tạo cơ chế có tính đột phá cho DN được vay vốn thấp hơn, cải cách thủ tục hành chính giảm tải chi phí cho DN
Tiếp theo đó, ông Trần Văn Quang- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị điện Đông Anh lại đề nghị UBND TP xem xét điều chỉnh thuế thuê đất của DN, phân loại các DN để điều chỉnh thuế suất cho phù hợp (ưu tiên cho các DN sản xuất trọng điểm). Đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước có chính sách khuyến khích người Việt dùng hàng Việt (hiện nay đã có chính sách nhưng chưa cụ thể). Bên cạnh đó, ngân hàng, hải quan chỉ giải ngân, thông quan những sản phẩn mà trong nước chưa sản xuất được. Bộ KH&ĐT sửa luật đấu thầu, ưu tiên hàng trong nước sản xuất được.
Ở một góc độ khác, ông Kawasaki, Giám đốc nhà máy Canon Thăng Long VN cho biết, công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 22.000 cán bộ công nhân viên. Về vần đề nhà ở và hạ tầng cho cán bộ nhân viên, nhờ sự chỉ đạo UBND TP hiện nay đã đáp ứng được một phần; Đề nghị TP định kỳ kiểm tra, duy tu bảo dưỡng và hoàn thiện những dự án khác, xây dựng thêm bệnh viện, nhà trẻ, khu vui chơi trong khu nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, trị an xung quang khu công nghiệp hiện đang có xu hướng phức tạp, đề nghị UBND TP có chính sách toàn diện về trị an và an toàn giao thông để công nhân an tâm sinh sống.
Là đại diện cho khối DN phân phối, ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng Giám đốc Big C nêu ý kiến: thị trường bán lẻ hiện đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát, giá cả tăng cao, sức mua giảm. Năm 2011, Big C dự kiến phục vụ gần 10 triệu khách đến mua sắm, giải quyết 1500 người lao động, nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2010). Đến thới điểm này vốn tăng trưởng so 2010. Big C kiến nghị, để có thể phục vụ tốt cho nhân dân Thủ đô mua sắm trong dịp cuối năm và Tết, DN thường phải nới rộng thời gian mở cửa từ 7h sáng đến 23h đêm; tuy nhiên với việc TP sắp có điều chỉnh giờ mở cửa của các siêu thị, TTTM từ 9h- 21h, sẽ không phục vụ hết được nhu cầu mua sắm. Hơn nữa, ông Dũng cũng bày tỏ khó khăn trong việc tìm địa điểm để mở rộng hệ thống phân phối, mong muốn tìm kiếm được quỹ đất để mở rộng, thông qua đấu thầu để các DN có thể tiếp cận được. Trong thời gian qua, các DN đã xuống quận, huyện để tìm mặt bằng thuận tiện nhưng đều có đã chủ đầu tư; nếu muốn phải thuê lại mặt bằng của các công ty kinh doanh bất động sản với giá cao.
Mặt khác, bà Hoàng Ngọc Hạnh – Giám đốc Công ty cồ phần Intimex VN lại bày tỏ, DN đang lúng túng không biết nên sản xuất mặt hàng gì, mở các siêu thị ở đâu. Nhiều nơi 3,4 siêu thị cùng mọc lên, nhưng ở nơi khác lại bị bỏ trống. DN không biết quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP, do đó mong được tham gia đóng góp ý kiến vào việc quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ của TP.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty Euro Window chia sẻ, công ty đang có 5 nhà máy, hơn 4.000 cán bộ công nhân viên dang làm việc, hàng năm tăng trưởng 50-60%. Tuy nhiên năm nay do thị trường BĐS đóng băng, sản phẩm của công ty tiêu thụ châm, giá nguyên vật liệu tăng nên không có khả năng không hoàn thành được kế hoạch. Công ty mong TP đồng hành cùng các DN, có chính sách giúp DN giãn nộp thuế thu nhập, có chính sách ưu đãi cụ thể với sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều thách thức và khó khăn, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định TP sẽ cùng với doanh nghiệp đưa ra những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất trong hai tháng cuối năm và trong năm 2012. Ông Thảo cho rằng, kinh tế thành phố tăng trưởng khá trong năm 2011, đạt 10,13%, gấp 1,67 lần mức chung của cả nước là có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, TP sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, ưu tiên tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, các mục tiêu an sinh xã hội. Chủ tịch cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy tính năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới công nghệ để tăng cường năng lực kinh doanh của mình, cùng thành phố vượt qua khó khăn, đảm bảo duy trì, đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống công nhân, xem xét điều chỉnh lương, phụ cấp khó khăn; tích cực tham gia vào nhiệm vụ chính trị như xây dựng cải tạo các khu chung cư cũ… “Các doanh nghiệp cần liên kết, liên doanh hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.