(HNM) - Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã chia sẻ kế hoạch tác phẩm
Chỉ cần bỏ lại những ồn ào, hối hả ngoài kia, cúi xuống cùng trang sách là có thể gặp một Hà Nội vừa thân quen, vừa rất đỗi bất ngờ, dí dỏm của riêng Hữu Ngọc. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Trần Đăng Khoa nhận định: "Hữu Ngọc sinh năm 1918. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, thuộc lứa đàn em của ông giờ đã thành người ở cõi thương cõi nhớ. Vậy mà Hữu Ngọc vẫn "dẻo dai sánh bước cùng thời đại", hay nói như ngôn ngữ của ông "Cứ lang thang như một áng mây giời".
Ý trên của Trần Đăng Khoa còn đúng trong cách nhìn của Hữu Ngọc về Hà Nội trong "Hà Nội của tôi". Một cái nhìn dù từ quá khứ xa xưa nhưng vẫn gắn với đương đại, ngầm dự báo tương lai, một cái nhìn rất dí dỏm, hiện đại cho dù ông đề cập từ chiều sâu quá khứ. Đó là chất men riêng của văn chương Hữu Ngọc, dẫn dụ người đọc đến với biết bao câu chuyện hay về Hà Nội trong hệ tham chiếu rất rộng lớn của văn hóa phương Đông, thế giới.
Cụ thể, trong phần I "Bản giao hưởng phố phường", bạn đọc sẽ cùng ông dạo chơi "Cảnh sắc Hà thành" qua 32 bài viết ngắn. Rồi tìm hiểu "Văn hóa thị thành" cũng qua chừng hơn ba chục bài viết khác. Phần II "Người Tràng An là thế đấy", tiếp tục mang đến cho người đọc hơn năm chục bài viết trải theo 4 chủ đề "Đôi nét Tràng An", " Sĩ phu xưa và nay", "Tài tử văn nhân", "Bạn xa mà gần".
Cả trăm bài viết, mỗi bài đều có một độ âm vang riêng đối với từng nhóm đối tượng độc giả, thậm chí với từng bạn đọc. Song phải thừa nhận, rất nhiều bài không chỉ có cái tên rất gợi, mà còn gây bất ngờ vì "lối tư duy hiện đại" của một bậc thầy về nói và viết. Những chuyện tưởng là nhỏ bé, hằng ngày mà dưới ngòi bút ông đã trở nên hấp dẫn, chạm tới chiều sâu văn hóa - xã hội, giao lưu quốc tế… "Trong một số tác phẩm, tôi thấy phần bơ át phần cua đồng"- ấy là một cái nháy mắt tinh tường của ông già Hữu Ngọc khi nói về toàn cầu hóa trong văn hóa ở bài viết "Quán Con Sáo và "Nghệ thuật sắp đặt". Chất dí dỏm nhưng không kém phần suy tư, chua xót cũng thể hiện trong nhiều bài viết khác như "Chữ "Lễ", "Quả cà chua và mớ rau"…
Ở những phần khác, thiên về chân dung con người như "Sĩ phu xưa và nay", "Tài tử văn nhân", nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng chọn lối viết giản dị, dễ tiếp cận. Trong "Phác thảo chân dung Dương Quảng Hàm - Nho sĩ hiện đại yêu nước", ông như một diễn giả lúc kể chuyện, lúc phân tích. Ở bài "Trao đổi với Trần Văn Cẩn về hội họa Việt Nam hiện đại", ông lại xử lý thông tin bằng một cuộc trò chuyện.
466 trang sách kể chuyện "Hà Nội của tôi", đúng như nhà thơ, nhà phê bình Trần Đăng Khoa nói: "Văn Hữu Ngọc, một lối văn mộc, không son phấn, văn hoa (…). Ông thường loại bỏ hết những "phụ tùng" không cần thiết, đủ chỉ còn lại cốt… Bởi thế các tập sách của Hữu Ngọc thường rất dày, nhưng người đọc vẫn không thấy dài".
Hữu Ngọc lúc nào cũng ngập giữa điện thoại, các cuộc gặp Đông - Tây, trò chuyện được với ông cũng khó, vì vậy "Hà Nội của tôi" thực là dịp để ta "khoác tay Hữu Ngọc cùng đi thăm Hà Nội xưa và nay" như Lady Borton nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.