(HNM) - Ngày 17-1, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh ở thành phố.
Khoảng 250 đại biểu đại diện cho ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sở, ngành chức năng đã về dự. Dù còn một số băn khoăn nhất định, nhưng các đại biểu đều thống nhất cùng thực hiện, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Chủ động thông báo, xây dựng kế hoạch điều chỉnh
Như đã thông tin, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chức năng, được HĐND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nhất trí, ngày 12-1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giờ học, làm việc và kinh doanh ở thành phố. Theo đó, nhóm đối tượng là các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7h, kết thúc giờ học chiều sau 19h. Nhóm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hằng ngày. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể TƯ, Hà Nội bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều vào 17h. Các trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm việc từ 9h, kết thúc sau 19h. Việc điều chỉnh giờ học, làm việc sẽ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm kể từ ngày 1-2-2012.
Với quyết định trên, nhóm học sinh các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc điều chỉnh giờ học, làm việc. Do vậy, tại hội nghị quán triệt thực hiện quyết định số 315/QĐ-UBND, lãnh đạo ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được mời dự đầy đủ. Vẫn còn một số băn khoăn nhất định, nhưng các đại biểu khẳng định sẽ tìm mọi biện pháp thông báo cho học sinh, sinh viên cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện đúng yêu cầu đổi giờ của thành phố.
Ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chủ động tìm biện pháp thông báo việc điều chỉnh giờ cho sinh viên biết, vì hiện phần lớn sinh viên đã về quê ăn Tết, đồng thời xây dựng kế hoạch điều chỉnh giờ học để thực hiện ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hoàng Minh Sơn khẳng định, trường đang đào tạo theo hình thức tín chỉ, nên sinh viên có thể chủ động lựa chọn thời gian học hợp lý và sẽ thực hiện đúng quy định về đổi giờ...
Tăng xe buýt nhanh, điều chỉnh giờ phục vụ cao điểmGiám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân, nhưng đây là phương án đã được thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, được HĐND thông qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép. Không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng cũng phải điều chỉnh giờ làm việc. Cụ thể, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ phải "xuống đường" từ 6h (sớm hơn 30 phút) để điều hành giao thông. Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể, giờ cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy…sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay đến 7 phút-8 phút/lượt nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Sở GTVT cũng điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của 6 tuyến buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày. Sở cũng đang nghiên cứu, tổ chức thêm 6 tuyến buýt nhanh khác gồm: tuyến Long Biên-Bến xe Yên Nghĩa, Trần Khánh Dư-Bến xe Yên Nghĩa, Cầu Giấy-Bến xe Phùng, Bến xe Gia Lâm-Viện 103, Bến xe Mỹ Đình-Bến xe Gia Lâm và Nam Thăng Long-Mai Động với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ. Sở GTVT đề nghị các trường triển khai thực hiện đúng quy định đổi giờ, với những vấn đề phát sinh, kiến nghị Sở GTVT điều tiết hoạt động hợp lý để đáp ứng.
- Tổng số các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở 10 quận, 2 huyện nói trên là 124 trường với hơn 624 nghìn sinh viên, trong đó 78% sinh viên sống ngoại trú. 31,2% sinh viên của các trường trên sử dụng xe buýt. - Các tuyến có nhiều trường đại học, cao đẳng nhất gồm: Cầu Giấy - Xuân Thủy - QL32 (17 trường), Nguyễn Trãi - QL6 (10 trường), Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (8 trường)… - 17 tuyến xe buýt sẽ điều chỉnh tăng giờ hoạt động cao điểm, tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên nói riêng, hành khách nói chung. |