Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chú trọng thanh tra, giám sát an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 27/08/2018 07:15

(HNM) - Để kiểm soát các mặt hàng sản xuất, cung ứng cho thị trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội chú trọng thanh tra, giám sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ.


Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 18.140 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm 2018 đến nay, các ngành chức năng kiểm tra xếp loại 167 lượt cơ sở, trong đó, 114 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 68,3%); 35 cơ sở xếp loại C (chiếm 27,5%); 8 cơ sở không đánh giá do không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không đúng địa điểm, không thuộc đối tượng quản lý.

Sau khi khắc phục, 12 cơ sở xếp loại C đã được tái kiểm tra và đạt loại B (34,3%), số còn lại tạm thời dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục lỗi. Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT đã tổ chức 25 buổi xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản với 1.315 người tham gia và cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 1.114 người đạt yêu cầu (chiếm 85%).

Vừa qua, Đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Quảng Lợi ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh). Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), tại thời điểm thanh tra, công ty có hoạt động sơ chế rau, củ, quả; kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và trái cây để cung cấp cho các bếp ăn trường học trên địa bàn Hà Nội.

Xưởng sản phẩm đã trang bị hệ thống phòng chống côn trùng và động vật gây hại hiệu quả; hệ thống đèn chiếu sáng bảo đảm ánh sáng, được trang bị chụp bảo vệ để phòng tránh rơi vỡ vào sản phẩm… Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây, rau, thịt, công ty đã xuất trình được hợp đồng mua hàng, hóa đơn mua hàng, phiếu nhập hàng, lệ phí kiểm soát giết mổ của thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy sản tươi sống.

Đặc biệt, công ty đã trang bị hệ thống rửa, sục ozone tự động sản phẩm rau, thịt và được cấp giấy chứng nhận HACCP số HACCP-001-16 do Trung tâm Chất lượng nông, lâm sản vùng 1 cấp có hiệu lực từ ngày 8-6-2016 đến 7-6-2019 cho loại hình sơ chế thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, củ, quả tươi - mã ngành CII); thực phẩm có nguồn gốc động vật (thủy sản, thịt gia súc, gia cầm - mã ngành CI). Đoàn thanh tra đã lấy 4 mẫu sản phẩm rau, thịt của công ty để kiểm tra an toàn thực phẩm, nếu phát hiện có vấn đề gì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, thời gian tới, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp.

Chi cục phối hợp với các cấp, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết và yên tâm khi sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chú trọng thanh tra, giám sát an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.