(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, 16h ngày 1-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai lệnh giám đốc các công ty thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà mở 1 cửa xả đáy…
Đề phòng thiệt hại do tác động của việc xả lũ gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có Công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình xả lũ các hồ thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, các phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát sỏi biết để chủ động phòng tránh;
Tăng cường kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công trên các tuyến đê), chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra; rà soát, triển khai các phương án phòng, chống lũ;
Tăng cường tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết; triển khai phương án bảo vệ vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu theo phương án hộ đê đã được phê duyệt; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương, tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra.
Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, bảo đảm an toàn các công trình đầu mối tiêu thoát ra các trục sông chính khi mực nước các sông dâng cao do xả lũ kết hợp với mưa lớn trên địa bàn thành phố. Các công ty thủy lợi kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập; chủ động vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình và phục vụ sản xuất dân sinh, xã hội trên địa bàn thành phố.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, bảo đảm cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố phối hợp chính quyền địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn an ninh, trật tự khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố.
Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy trên các tuyến giao thông; kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để bảo đảm an toàn.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình của thành phố (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị) thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình xả lũ và diễn biến của thời tiết trên địa bàn thành phố để người dân biết, chủ động phòng tránh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.