Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chủ động bổ sung các chính sách hỗ trợ

Hương Ly| 29/05/2012 06:48

(HNM) - Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, ngay sau khi Chính phủ thông qua gói giải pháp hỗ trợ DN và thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng, UBND TP Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực, giúp cộng đồng DN sớm tiếp cận với gói hỗ trợ.


TP sẽ bố trí thêm nguồn vốn ngân sách cho các quỹ hỗ trợ, tạo thêm nguồn lực giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh (SXKD). Đây là nội dung chính của Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 28-5. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã dự và phát biểu chỉ đạo.


Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại HTX Song Long. Ảnh: Huy Hùng

Doanh nghiệp lỗ nặng, ngân hàng lãi lớn

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, năm 2011 có 65% DN trên địa bàn làm ăn thua lỗ. Năm tháng đầu năm 2012, khoảng 6.000 DN đã nộp đơn xin tạm dừng hoạt động và ngừng nộp thuế. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, năm 2011, hơn 60% DN rơi vào tình trạng thua lỗ với khoảng 132.500 tỷ đồng. Tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khoảng 65% DN rơi vào tình trạng mấp mé bờ vực phá sản với số lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, ước tổng số lỗ của các DN trên cả nước khoảng 130.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, 71 ngân hàng (NH) thương mại lại có doanh thu năm 2011 tăng hơn 60% so với năm trước. Chi phí quản lý của NH tăng thêm 68% và lãi trước thuế lên tới 97.100 tỷ đồng. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đặt câu hỏi, số lãi khổng lồ của các NH có liên quan gì tới thực trạng của DN hiện nay?

Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thép Bắc Việt cho biết, hội có 800 hội viên, từng có những giai đoạn hoạt động SXKD rất khả quan. Nhưng khó khăn hiện nay đã khiến hàng loạt DN rơi vào tình trạng giải thể, "chết lâm sàng". Trong khi đó, khối NH thương mại lại lãi lớn, con số này đáng được xem xét. Ông kiến nghị, với DN, lãi suất là yếu tố quan trọng nhất tác động tới chi phí, đây là yếu tố sống còn của mỗi DN.

Hỗ trợ bằng giãn, giảm thuế và tiếp cận vốn

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 và thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết tới từng đơn vị chức năng. Trao đổi với PV Báo Hànộimới bên lề hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, TP sẽ chủ động có thêm chính sách hỗ trợ. DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn… sẽ được hỗ trợ lãi suất và vốn. TP còn có quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ với chức năng bảo lãnh cho DN khi vay vốn NH. Trường hợp cần thiết, sẽ chủ động bổ sung ngân sách cho các quỹ hỗ trợ sao cho DN và ngân hàng có thể gặp nhau, giúp DN có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến lãi suất, đại diện NH Nhà nước (NHNN), chi nhánh Hà Nội cho biết, NHNN vừa có quyết định hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, góp phần kéo mặt bằng lãi suất xuống mức phù hợp. Tại các NH thương mại nhà nước, bình quân đang cho DN vay với lãi suất 14-16,5%, tại NH cổ phần từ 15-18,5%. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế về lãi suất, qua đó giúp DN tiếp cận được vốn vay, đồng thời giúp các NH giải ngân nguồn vốn dư. Được biết, các NH hiện đang dư thừa 230.000 tỷ đồng vốn tín dụng. Nguyên nhân là do sức mua giảm, lãi suất quá cao khiến DN không dám vay thêm vốn do lo ngại tồn kho tiếp tục tăng cao. Một số DN có nhu cầu vay lại không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định. Để tạo thuận lợi cho DN, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, DN gặp khó khăn khi tiếp cận vốn có thể phản hồi cho NHNN qua đường dây nóng để kịp thời chấn chỉnh. Liên quan đến việc các NH lãi cao trong khi DN thua lỗ, NHNN sẽ có giải pháp chấn chỉnh, yêu cầu các NH tiết giảm chi phí để từ đó có cơ sở giảm lãi suất cho DN…

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, gói giải pháp tài chính của Chính phủ thông qua việc giãn, giảm, miễn thuế cho DN ước tính sẽ giảm thu ngân sách khoảng 29.000 tỷ đồng. Với việc đóng góp khoảng 24% tổng ngân sách mỗi năm, số vốn mà DN Hà Nội dự kiến có được thông qua việc giãn, giảm thuế ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành thuế Hà Nội sớm đưa gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng. Chủ tịch khẳng định, TP có nhiều quỹ hỗ trợ, bảo lãnh cho DN, nhưng DN vẫn kêu khó tiếp cận. Trách nhiệm này thuộc về các hiệp hội DN và ngành chức năng. Mỗi đơn vị cần căn cứ nhiệm vụ của mình đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại… để mở rộng thị trường tiềm năng ở trong và ngoài nước. Mỗi DN nên tính toán phương án cơ cấu lại hoạt động SXKD để tự cứu mình. Chủ tịch khẳng định, với sự quyết tâm của Nhà nước và DN, Hà Nội sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chủ động bổ sung các chính sách hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.