Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội cần tập trung phát triển theo chiều sâu và phát huy các lợi thế so sánh

Vương Tuấn Anh| 06/07/2014 02:22

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hà Nội ước tăng 7,4%, bằng 1,5 lần mức tăng của cả nước, nhưng thấp hơn mức 7,67% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, thành phố phải có mức tăng trưởng là 9,8-10,9% để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5-9% của năm nay. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm.

Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

"Nút thắt" cần tháo gỡ

- Thưa ông, ông có thể đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2014?

- Nhìn chung, kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm nay phản ánh bức tranh chung của kinh tế cả nước, với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn từ bản thân lẫn ngoại cảnh, song vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, nổi bật là xu hướng phục hồi khá tốt ở tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu và du lịch. Các hoạt động chuyển giao công nghệ và cải tạo giống cây, con cao cấp xuất hiện nhiều hơn; quá trình chuyển đổi và dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp tiếp tục triển khai đúng hướng. Đặc biệt, sau khi cơ bản giải tỏa xong "nút thắt" về quy hoạch và chính sách, tiến độ các công trình hạ tầng và xây dựng khác trên địa bàn Thủ đô đã có sự tăng tốc, đang và sẽ góp phần tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế. Thị trường bất động sản Hà Nội có dấu hiệu ấm dần, nhất là trong phân khúc nhà ở xã hội, nhờ những cơ chế thích hợp hơn trong tập trung đầu tư, kiểm soát dòng vốn, liên kết và cải thiện về chất lượng, giá cả.

- Bên cạnh những điểm mạnh như ông vừa chỉ ra, hẳn kinh tế Hà Nội vẫn còn bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục, thưa ông?

- Đáng quan ngại nhất có lẽ là số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động và phá sản tiếp tục tăng, kéo theo áp lực thất nghiệp và cả đình công. Việc tập trung vào những chính sách đột phá tạo ra sức bật cho các sản phẩm chủ lực cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Hà Nội cũng chưa được rõ, dù Luật Thủ đô đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 như là sự khẳng định những nỗ lực và quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền Thủ đô. Những thế mạnh và lợi thế so sánh của Hà Nội liên quan đến giáo dục, lao động, điều kiện hạ tầng, sự tập trung doanh nghiệp… chưa được nhận diện đầy đủ và phát huy. Ngay thế mạnh về bán buôn và bán lẻ của Hà Nội cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Lợi thế về trung tâm giống cây, con chất lượng cao và sản phẩm nông nghiệp sau chế biến, có giá trị gia tăng cao vẫn chưa được khai thác nhiều…

Đặc biệt, áp lực giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chậm mở rộng vốn vay của ngân hàng, sự hạn chế về vốn của các doanh nghiệp tư nhân, cùng với áp lực thu ngân sách ngày càng tăng, trong khi áp lực chi ngân sách cũng ngày càng mạnh hơn và nợ xấu chậm được cải thiện… cũng là những "mảng xám" khác của bức tranh kinh tế Hà Nội và là những "nút thắt" cản trở sự phát triển.

- Ông có thể phân tích những nguyên nhân gây cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nội?

- Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân và đã được đề cập nhiều lần ở nhiều nơi và cấp độ, góc độ khác nhau… Về chủ quan, việc giảm nguồn vốn FDI có 3 lý do lớn: Thứ nhất, do các khu công nghiệp cũ của Hà Nội cơ bản đã được lấp đầy, còn các khu công nghiệp mới chưa xây dựng, 2 khu công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao vừa khai trương chưa có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư mạnh. Thứ hai, do trước đây vốn FDI đầu tư nhiều vào bất động sản hoặc các dự án tốn nhiều mặt bằng, nay kinh doanh bất động sản khó khăn nên việc thu hút vốn cũng kém. Thứ ba, Hà Nội đang giảm dần lợi thế so với nhiều địa phương khác về lao động và cơ sở hạ tầng trong việc thu hút vốn FDI, kể cả vào công nghiệp phụ trợ; trong khi định hướng tập trung phát triển kinh tế theo chiều sâu chưa thật rõ và thiếu lực đẩy mạnh mẽ cần thiết.

Hơn nữa, trong khi nợ xấu vẫn chưa xử lý dứt điểm thì áp lực nợ xấu lại tăng do các cơ hội đầu tư, thu lời của doanh nghiệp trả nợ chưa rõ rệt và sức ép về việc sắp xếp lại nợ, kiểm định, phân loại lại nợ theo chuẩn thế giới lại tăng… Áp lực nợ tăng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất đi động lực kinh doanh, ngân hàng mất đi động lực cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay dù có giảm như một tín hiệu tốt, nhưng lại không phát huy được tác dụng. Đó là những điểm khá phổ biến cho cả Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc tính đến các yếu tố tăng trưởng, cũng như tháo gỡ các "nút thắt".

Cải thiện môi trường đầu tư

- Mặc dù vẫn còn những "nút thắt" cần phải tháo gỡ nhưng phải khẳng định thời gian qua lãnh đạo thành phố đã rất nỗ lực trong việc chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

- Những nỗ lực tháo gỡ các "điểm nghẽn" về quy trình, thủ tục hành chính và vốn đầu tư, vốn đối ứng của các cấp quản lý cũng cho phép Hà Nội cải thiện đáng kể về xếp hạng PCI và môi trường đầu tư, tạo xung lực tích cực mới cho phát triển kinh tế. Sự cộng hưởng kết quả những nỗ lực của doanh nghiệp, nhà nước, cũng như thành phố ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho tái cơ cấu kinh tế nói chung và cải thiện năng lực cạnh tranh, xuất khẩu của Hà Nội nói riêng trong thời gian tới.

- Theo ông, Hà Nội phải làm gì để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài?

- Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức thì có khả năng một vài năm tới nguồn vốn FDI vào Hà Nội sẽ tiếp tục trì trệ, thậm chí giảm sút do thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục, khu công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ vẫn chưa tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Hà Nội có quy hoạch để phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, nhưng lại chưa hề có kế hoạch đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Hướng đi tích cực, lâu dài là coi trọng việc bổ sung và hoàn thiện hơn các chính sách, "thay máu" nguồn nhân lực, nhất là của bộ máy các cấp liên quan trực tiếp đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tạo sức ép tăng trách nhiệm công vụ và kiểm soát lợi ích nhóm, xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi cá nhân trong việc thực thi công vụ…, nhằm tạo môi trường hấp dẫn và mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ phát triển.

- Kể từ tháng 7-2013, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực. Ông có nhận định thế nào về việc triển khai những chính sách ưu tiên trong luật?

- Sau khi Hà Nội có Luật Thủ đô, đến nay các văn bản có liên quan cơ bản đã định hình. Tuy nhiên, việc tiếp tục triển khai chi tiết và vận dụng vào thực tế liên quan đến luật này chưa được rõ nét, nên những chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư vào Hà Nội chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới chúng ta cần quan tâm hơn đến việc xác định các nội dung, lĩnh vực trọng tâm, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ kế hoạch và quy trình, xây dựng tiến độ để khai thác Luật Thủ đô, tạo động lực phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô. Trước mắt, có thể khai thác phần liên quan đến chính sách đầu tư và quản lý đầu tư, tập trung vào các dự án đầu tư thuộc diện trung ương bố trí vốn hoặc hỗ trợ vốn. Đồng thời, chủ động xây dựng, triển khai ngay một số chính sách khuyến khích mới theo phân cấp quản lý đúng với tinh thần Luật Thủ đô để tăng thu hút đầu tư từ tư nhân và từ FDI.

Cơ hội bứt phá

- Trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để Hà Nội có thể khai thác được các thế mạnh tiềm năng, thưa ông?

- Hà Nội cần tập trung nhiều hơn cả về chính sách và nguồn lực cho phát triển theo chiều sâu và phát huy những lợi thế so sánh mà mình có. Trước hết, cần đẩy mạnh cho vay tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái và kinh tế nông thôn. Đây là định hướng lớn, dài hạn và có ý nghĩa nhiều mặt tới cả chính trị - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới, nên phải tập trung nguồn vốn nhiều hơn.

Hà Nội cũng cần dồn lực cho việc tổng rà soát quy hoạch và phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh các hoạt động marketing, xúc tiến đầu tư, coi đây là một điểm nhấn, động lực mới của Hà Nội, cũng như là phát huy vai trò của Thủ đô. Đặc biệt, các ngành dịch vụ chất lượng cao của Hà Nội còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, ví dụ như y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, du lịch, giao thông vận tải… Đây là những ngành động lực chủ đạo và lâu dài cho hỗ trợ và thúc đẩy phát triển định hướng kinh tế tri thức trên địa bàn Thủ đô.

Cuối cùng, đột phá và nâng cao thực sự công tác cán bộ và cải cách bộ máy hành chính đã, đang và sẽ luôn là yêu cầu, giải pháp của mọi giải pháp tạo nguồn động lực cho quá trình phát triển Thủ đô. Hà Nội cần tập hợp và phát huy tốt hơn sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn và cả nước vì một Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Hà Nội có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là do có đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn đông và hội tụ nhiều tinh hoa. Hà Nội đã có các quy hoạch chung và Luật Thủ đô, cơ sở pháp lý quan trọng nhất đã được thông qua và cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực, phù hợp, nên nếu khai thác tốt những điều này sẽ mang lại hiệu quả cao...

- Trân trọng cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội cần tập trung phát triển theo chiều sâu và phát huy các lợi thế so sánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.