(HNMO) - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội… Đến dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh… cùng hàng trăm đại biểu khác.
(HNMO) - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội… Đến dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh… cùng hàng trăm đại biểu khác.
Công tác cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện, có kết quả…
Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết: Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ năm 2001, TP Hà Nội đã xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ là hai khâu đột phá. Mục tiêu xuyên suốt của công tác CCHC là cải cách toàn diện về thể chế hành chính, bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và tài chính công nhằm làm cho bộ máy hành chính nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ nét tính chất phục vụ của bộ máy hành chính của dân, do dân, vì dân; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
Hướng dẫn người dân làm hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Huyền Linh |
Nhìn chung, trong 10 năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được TP xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai thực hiện toàn diện, có chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các chương trình, mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô.
Theo đó, công tác rà soát, hệ thống hoá, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đi vào nền nếp; nâng cao chất lượng văn bản, giảm sự chồng chéo. (Trong 10 năm, cấp TP đã ban hành và triển khai thực hiện 109 văn bản về CCHC). Đặc biệt, việc nhất thể hoá các cơ chế chính sách với phương châm khẩn trương, thông thoáng hơn, chọn lựa những quy định phù hợp nhất của các địa phương trước hợp nhất để ban hành mới nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhân dân và tạo công cụ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn mới là những nhân tố tích cực góp phần quan trọng tạo chuyển biến lớn trong công tác cải cách thể chế hành chính của TP trong thời gian qua. (Từ khi mở rộng địa giới, chỉ trong thời gian ngắn, TP đã ban hành trên 300 văn bản áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn).
Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông từng bước có nền nếp, hiệu quả; thường xuyên tổ chức rà soát, chuẩn hoá thủ tục hành chính, công khai, mịch bạch thủ tục hành chính. TP Hà Nộilà địa phương đầu tiên tập hợp, chuẩn hoá, công bố công khai Bộ Thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa…; góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kết quả thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính của TP Hà Nội được Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Chính phủ đánh giá cao là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc, đạt tỷ lệ đơn giản hoá và cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ở mức cao.
Ngoài ra, trong công tác CCHC, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đã từng bước được xác định rõ; Công tác xã hội hoá, sắp xếp chuyển đổi DNNN được quan tâm đẩy mạnh; Phân cấp quản lý KT-XH đã giảm tải về công việc cho cấp TP; Công tác, cán bộ đã được các cấp, các ngành từ TP đến xã, phường, thị trấn quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng; đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hoá: Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 90001:2000, ứng dụng CNTT vào hoạt động hành chính, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực trong phương thức hoạt động của cơ quan hành chính hiện đại…
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng đánh giá cao công tác CCHC của Hà Nội đã đóng góp lớn vào kết quả chung của cả nước. Trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả, nhất là trong công tác thể chế hoá các luật, văn bản pháp luật của Trung ương thành các quyết định của TP để thực thi. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, có nhiều vấn đề phát sinh nhưng Hà Nội cũng đã làm tốt công tác CCHC…
… Nhưng vẫn còn hiện tượng “một cửa nhưng nhiều khoá”
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác CCHC trong 10 năm qua, nhưng theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, công tác CCHC hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đáng chú ý nhất là vấn đề tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa rõ chức năng, nhiệm vụ; phân công, phân cấp chưa khoa học, hợp lý giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực, lãnh thổ như. Ví như trong công tác quản lý đô thị (điện chiếu sáng, cây xanh, công viên, vỉ hè, lòng đường…).
Hai là vấn đề thủ tục hành chính, mặc dù, TP đã rà soát(1.811 thủ tục hành chính), đã đơn giản hoá nhưng thủ tục hành chính vẫn rườm rà, phức tạp, thiếu chặt chẽ, không khoa học… Biểu hiện cụ thể như: để giải quyết một công việc còn nhiều loại thủ tục, thời gian kéo dài, nhiều ngành, nhiều cấp tham gia giải quyết. Một cửa, một cửa liên thông được thực hiện nhưng đằng sau cửa ấy vẫn là đầy đủ các công đoạn, thủ tục, hành chính, giấy tờ, nên có người vẫn nói: “một cửa nhưng nhiều khoá…”.
Ba là về trách nhiệm công chức, vẫn còn biểu hiện cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp, thậm chí tiêu cực, tham nhũng; thiếu tinh thần trách nhiệm, làm không đến nơi, đến chốn; thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; viẹc phối hợp thiếu thiện chí và chặt chẽ.
Tiếp tục cải cách hành chính với 4 lĩnh vực, 5 giải pháp
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, để khắc phục những bất cập và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đảng bộ TP lần thứ XV đã xác định, CCHC là một trong hai khâu đột phá của TP. Nội dung của CCHC TP trong thời gian tới vẫn tập trung vào 4 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Yêu cầu nhiệm vụ của TP là: tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Với tinh thần trên, theo Chủ tịch, trong thời gian tới, TP sẽ tập trung vào 5 giải pháp chính. Một là tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn hoá quy trình ban hành quyết định hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy; thực hiện thí điểm cơ chế quản lý trong một số lính vực đặc thù; tăng cường phân cấp, đi liền với xác định rõ trách nhiệm và các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, tiếp tục sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình tổ chức, chất lượng cơ chế một cửa liên thông, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức liên quan đến cải cách thủ tục hành chính; rà soát, bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hoá thống nhất và thực hiện công khai hoá các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng…; đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ đối với từng cán bộ, công chức.
Thứ tư là triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, điều kiện làm việc, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
Có thể nói, Quốc hội đã xác định CCHC vẫn là một trong 3 điểm nghẽn trong tiến trình phát triển của nước ta. Trong 10 năm tới (2011- 2020), nước ta tiếp tục phải xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá; nền hành chính phục vụ nhân dân, người công chức phải là công bộc của nhân dân. Với TP Hà Nội, phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, với sự tập trung cao độ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô; Hy vọng rằng công tác CCHC của TP sẽ thu được những kết quả lớn hơn, góp phần quan trọng xây dựng Thủ đô thân yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.