Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Các DN nợ đọng bảo hiểm xã hội gần 1.000 tỷ đồng

TTXVN| 30/12/2012 22:01

Năm 2012, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng hóa khó tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động… đã làm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.


Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội cho biết, 11 tháng đầu năm, Hà Nội có 11.835 doanh nghiệp ngừng hoạt động với khoảng 9000 CNLĐ phải tạm nghỉ việc, không có việc làm. Số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó, quan hệ lao động vẫn còn diễn biến phức tạp, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn chưa nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh không xây dựng thang bảng lương, không ký thoả ước lao động tập thể, vi phạm thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị phương tiện bảo hiểm lao động thiếu và không đảm bảo chất lượng, chưa quan tâm khám sức khoẻ định kỳ cho CNLĐ. Tiền lương và thu nhập của cán bộ công chức, người lao động tuy có tăng, song lạm phát, giá cả tăng cao nên đời sống của đại bộ phận CNVCLĐ vẫn hết sức khó khăn

Cụ thể, trong năm 2012, Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn tại 184 doanh nghiệp (trong đó có 57 doanh nghiệp có số tiền nợ bảo hiểm xã hội trên 1 tỷ đồng), bước đầu thu được hơn 56 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội. Các cấp công đoàn cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động tại 725 doanh nghiệp, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ tại 493 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; kiểm tra và tự kiểm tra 409 đơn vị về công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ. Qua đó cũng kịp thời nhắc nhở những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, kiến nghị với TP xử phạt nhiều đơn vị còn vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11/2012, số nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp vẫn lên đến gần 1.000 tỷ đồng, quyền lợi của hàng ngàn lao động không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nhà ở vẫn là vấn đề bức xúc của người lao động. Mặc dù TP đã có chính sách về nhà ở cho CNLĐ khu công nghiệp tập trung song thực tế chỉ đáp ứng nhu cầu được thuê và mua nhà ở của số ít lao động; đa số công nhân vẫn phải thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Năm 2013, với vai trò, chức năng của mình, Liên đoàn lao động Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Thanh tra TP tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ và kiến nghị xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm. Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND TP về việc xử lý nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng đang tăng cường bám sát cơ sở, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp giải quyết tốt những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tham mưu cho TP tổ chức gặp mặt, đối thoại với đại biểu CNLĐ, để lãnh đạo TP nắm được tâm tư nguyện vọng và giải đáp những kiến nghị của người lao động, hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc ngừng việc tập thể và đình công trái pháp luật. Đồng thời, tham gia có hiệu quả công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động trước, trong và sau quá trình sắp xếp chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Các DN nợ đọng bảo hiểm xã hội gần 1.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.