Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Bỏ ngỏ tiềm năng cây ăn quả

Đào Huyền| 24/08/2011 06:59

(HNM) - Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn… là những sản phẩm đã phần nào khẳng định thương hiệu cây ăn quả Hà Nội. Song do chưa được định hướng, quy hoạch cụ thể nên Hà Nội không phát huy được tiềm năng này.

Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Thủ đô giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí trên 848 tỷ đồng, hy vọng sẽ phát huy được giá trị và hình thành những vùng cây đặc sản.

Tiềm năng lớn

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có trên 13.500ha diện tích cây ăn quả, chiếm 79% tổng diện tích cây lâu năm và gần 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây ăn quả phân bố chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây, Mê Linh, Sóc Sơn... Sản lượng cây ăn quả năm 2010 của Hà Nội đạt 165.547 tấn, giá trị sản xuất 1.500 tỷ đồng. Cơ cấu chủ yếu gồm cây bưởi diện tích 2.437ha, chuối 2.155ha, nhãn diện tích 2.077ha, vải 1.510ha, cam quýt 758ha... Với điều kiện hiện nay, khi diện tích đất nông nghiệp Hà Nội đang ngày một thu hẹp, nông dân đang loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì thì giải pháp trồng cây ăn quả đặc sản được đánh giá là giải pháp phát triển kinh tế tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Thu hoạch bưởi Diễn tại huyện Đan Phượng. Ảnh: TTXVN

Gần đây, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Bộ NN&PTNT đã khảo sát dọc vùng sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức phát hiện được 10 giống bưởi quý, có đặc tính chống chịu úng và sâu bệnh tốt, quả ngọt thanh, có thể đưa vào khai thác để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, tại vùng thượng nguồn sông Đáy cũng phát hiện được 6 nguồn gen quý cần được bảo tồn như bưởi Diễn, hồng Yên Thôn (Thạch Thất), quýt Tích Giang, cam Canh, nhãn muộn Đại Thành, bưởi đỏ Mê Linh.

Theo ông Kiều Lựu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, giống quýt Tích Giang có chất lượng thơm ngon, năng suất cao, với cây có độ tuổi từ 4-5 tuổi cho năng suất cao, có thể đạt 100kg. Giống nhãn muộn Đại Thành (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) vừa được Hội đồng khoa học Bộ NN&PTNT công nhận là giống nhãn chín muộn mới, có số hiệu HTM-1. Đây là giống nhãn được tuyển chọn từ cây nhãn tổ trên 110 năm tuổi ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, có đặc tính sinh trưởng mạnh, quả vàng, bóng, cùi dày, thơm ngọt. Đặc biệt cây bưởi Diễn được coi là đặc sản cây ăn quả Hà Nội. Nhờ cây bưởi, nhiều gia đình ở Phú Diễn không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, thu nhập 300-500 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó còn có các loại quả chất lượng cao như ổi Đông Dư (Gia Lâm), chuối Tản Hồng (Ba Vì)... chất lượng quả các loại cây đặc sản trên được người tiêu dùng ưa chuộng.


Quy hoạch vùng phát triển

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đang trình UBND thành phố phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí trên 848 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015 Hà Nội phấn đấu xây dựng vườn cây ăn quả đầu dòng với quy mô sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao/năm, trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản và làm dịch vụ về bảo quản, đóng gói và xây dựng thương hiệu cây ăn quả Thủ đô. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015, sẽ có khoảng 16.400ha cây ăn quả các loại như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ...; sản lượng quả đạt trên 280.000 tấn, gấp 1,7 lần hiện nay. Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển cây ăn quả tập trung ở khu vực đồi gò, đất bãi ven sông và vùng trồng lúa khó khăn về nước tưới. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các huyện hình thành các vùng cây ăn quả đặc sản tập trung quy mô xã, liên xã với diện tích mỗi vùng tối thiểu từ 50ha trở lên. Hiện Hà Nội đã hình thành được một số vùng cây ăn quả tập trung rộng 13.500ha như vùng trồng bưởi Diễn tại Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức; trồng nhãn muộn tại Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì; trồng chuối tại Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa...

Để tạo tiền đề vững chắc về giống, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chọn lựa, bình tuyển được hơn 180 cây ăn quả đầu dòng, trong đó có hơn 60 cây bưởi Diễn, 64 cây cam Canh, còn lại là bưởi Quế Dương, xoài GL6m... Theo đánh giá của Hội đồng khoa học Bộ NN&PTNT, những cây ăn quả đầu dòng này đều là những cây có năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất lợi khác.Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng "Trạm khảo nghiệm, nhân giống cây trồng chất lượng cao" để khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây ăn quả mới nhập nội trước khi đưa ra sản xuất đại trà. Đồng thời xây dựng vườn cây đầu dòng để sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao/năm. Đặc biệt, vấn đề đầu tư xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu quả đặc sản Hà Nội, xây dựng liên kết sản xuất, sơ chế và kinh doanh hoa quả sẽ được làm một cách bài bản.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bỏ ngỏ tiềm năng cây ăn quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.