(HNMO)- Đó là khẳng định của TS Lê Nhân Tuấn, GĐ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ chiều 29/9.
|
Cũng tại buổi họp, Đại tá Nguyễn Hồng Ki, trưởng phòng CSĐT điều tra phòng chống tội phạm ma tuý CATP Hà Nội thông tin về kết quả công tác đấu tranh trấn áp tội phạm ma tuý trên địa bàn TP Hà Nội
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý CATP Hà Nội đã điều tra, khám phá 2.502 vụ, 3.210 đối tượng tội phạm về ma tuý; tập trung lực lượng chặn bắt đối tượng phạm tội ma tuý từ xa, trên các tuyến, phòng ngừa, ngăn chặn nguồn ma tuý xâm nhập vào địa bàn Thủ đô .
Trước lo ngại về những trường hợp sử dụng ma tuý đá gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây, Đại tá Nguyễn Hồng Ki cho biết trong 9 tháng đầu năm, cơ quan CA đã phát hiện, thu giữ được 13,3 kg ma tuý đá. Đây là một dạng của ma tuý tổng hợp, khi người sử dụng sẽ gây ảo giác cực kỳ mạnh, là mầm mống gây ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Đại tá Ki cũng khẳng định, đối với ma tuý đá rõ ràng có tác động đến tội phạm hình sự ngoài xã hội.
Về công tác phối hợp tổ chức cai nghiện trên địa bàn TP, theo Đại tá Nguyễn Hồng Ki, sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực đã xuất hiện một số khó khăn cho công tác cai nghiện. Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP Hà Nôi, CATP đã tích cực phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND TP ban hành các căn bản tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là Đề án thí điểm vận động đưa người đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội với chi phí cai nghiện hoàn toàn do ngân sách TP chi trả.
Từ ngày 1/1/2015 đến 15/9/2015, đã có trên 1.500 người tự nguyện đi cai nghiện tại trung tâm. Đồng thời, lực lượng CA các cấp đã phối hợp chặt chẽ với TAND các cấp triển khai có hiệu quả việc đưa người nghiện ma tuý không có nơi cư trú đi cai nghiện bắt buộc.
Đánh giá kết quả triển khai đề án thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn TP từ năm 2009 đến năm 2014, TS Lê Nhân Tuấn, GĐ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết TP đã duy trì 6 cơ sở điều trị, với luỹ tích bệnh nhân đưa vào điều trị là 2.914 người. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã có hiệu quả tốt như giúp bệnh nhân điều trị an toàn, thay đổi hành vi nhận thức, tăng thể trạng sức khoẻ, giảm sử dụng heroin, giảm hành vi phạm tội do người nghiện gây ra...
Đầu năm 2015, Hà Nội triển khai thêm 11 cơ sở điều trị methadone với 1.000 bệnh nhân, nâng tổng số lên 17cơ sở điều trị và tổng số bệnh nhân là 3.122, đạt 36,7% chỉ tiêu Chính phủ giao. Cũng chính bởi tăng thêm số cơ sở điều trị này mà hiện việc đăng ký tiếp nhận điều trị đã tương đối thông thoáng. Người bệnh không còn phải đợi chờ như trước nữa. Để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao cho Hà Nội là 8.500 bệnh nhân, thời gian tới, TP sẽ tăng cường, khuyến khích việc tiếp nhận, điều trị.
Năm 2015, Hà Nội đã dành kinh phí 30 tỷ cho điều trị Methadone và con số này ước tính trong năm 2016 sẽ là 43 tỷ.
Cũng theo TS Tuấn, hiện Methadone chỉ có tác dụng thay thế với các chất dạng thuốc phiện, với ma tuý tổng hợp thì không. Do đó, ma tuý đá là vấn đề khó khăn, nan giải trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Sáng 29/9, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn về chẩn đoán, xử lý với người nghiện ma tuý tổng hợp. "Với trường hợp sử dụng ma tuỷ tổng hợp có cơn loạn thần, bắt buộc phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị vì tình trạng tâm thần của bệnh nhân không còn bình thường, gây nguy hại cho người xung quanh và trật tự xã hội. Với trường hợp có tổn thương thần kinh, bệnh lý tâm thần, phải điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế. Hiện sở y tế có kế hoạch tập huấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân chịu hậu quả của ma tuý đá thể nhẹ để theo dõi tại xã phường" - ông Tuấn cho biết.
Thông tin về công tác phòng, chống ma tuý và quản lý sau cai trong 9 tháng đầu năm, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết hiện đang quản lý, chữa trị, cai nghiện bắt buộc và lưu trú tạm thời cho 1.071 người; tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho 1.619 người. Các trung tâm quản lý sau cai nghiện đã tiếp nhận 872 người và tại cộng đồng đã có 1.102 người thực hiện quyết định quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng triển khai chưa hiệu quả do điều kiện cơ sở vận chất và cán bộ tại các địa phương chưa đáp ứng theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.