(HNM) - “Hà Nội mùa này phố cũng như sông..." đám trẻ hát vậy và người Hà Nội dù không muốn nhưng không còn cách nào khác phải chấp nhận "sống chung với nước" dài dài. Và sáng qua 13-7, cơn mưa lớn kể từ đầu mùa đã bất ngờ gây ngập với tốc độ nhanh khiến nhân viên thoát nước và thiết bị cơ giới khơi thông dòng chảy hầu như bất lực.
Các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Thái Hà, Nguyễn Khuyến… ngập chìm trong nước. Giao thông hỗn loạn, người dân tả tơi. Bởi lẽ, theo quy hoạch thoát nước lưu vực sông Tô Lịch giai đoạn 1 của dự án vừa hoàn thành chỉ giải quyết được những trận mưa 172mm/2 ngày đêm. Giai đoạn 2 dự án đang được khởi động cũng chỉ giải quyết được mưa 310mm/2 ngày đêm. Như vậy, kể cả khi dự án hoàn thành thì tình trạng úng ngập tại các khu vực nội thành vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chuyện hàng nghìn tỷ đồng đổ ra cho dự án thoát nước để rồi vẫn "lực bất tòng tâm" khi những cơn mưa quái ác tiếp tục trút xuống trong diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu cũng đã được tiên lượng. Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã được các nhà chuyên môn và giới truyền thông mổ xẻ như quy hoạch các khu đô thị mới không đồng bộ, hồ ao bị lấn chiếm trong quá trình đô thị hóa... Những chuyện không mới này dù rất đáng để suy nghĩ nhưng chưa hẳn là vấn đề bức xúc trong thời điểm hiện tại.
Điều đáng nói lúc này chính là sự tắc trách của nhiều chủ đầu tư và công nhân thi công các dự án chỉnh trang đô thị. Đường Văn Cao - Hồ Tây, đường dẫn cầu Thanh Trì đoạn qua kênh bao Yên Sở đang thi công đã làm thu hẹp các dòng chảy. Chưa kể rất nhiều tuyến phố sau thi công ngổn ngang bùn đất, phế thải xây dựng, rồi một số tuyến hạ ngầm đục phá, cắt ngang hố ga, vi phạm và làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước... Theo giải thích của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước thì đây chính là một nguyên nhân gây nên tình trạng úng ngập mà cơn mưa sáng qua đã chứng minh điều đó.
Đáng nói hơn, vấn đề nêu trên đã được cảnh báo từ cơn mưa lớn đầu mùa cách nay đã hai tháng nhưng các cơ quan chức năng không có chế tài xử lý kịp thời. Do vậy, một số chủ đầu tư vẫn chạy theo tiến độ, làm bừa, làm ẩu, bất chấp những thiệt hại gây ra. Công việc cấp bách lúc này là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời các tình huống, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị gây nên tình trạng nêu trên để hạn chế đến mức thấp nhất hệ lụy trước những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay.
Bao giờ Hà Nội hết ngập khi có mưa lớn? Ngay cả người trong cuộc cũng không thể trả lời chắc chắn câu hỏi này. Một điều chắc chắn là bài toán thoát nước với Thủ đô cũng như các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa chóng mặt hiện nay không thể giải trong một sớm một chiều. Và nếu mỗi người dân Hà Nội, mỗi chủ đầu tư, doanh nghiệp thi công công trình không ý thức rõ trách nhiệm của mình trong từng việc cụ thể, nếu ao hồ tiếp tục bị lấn chiếm, các con sông tiếp tục bị chặn dòng, nếu chúng ta chưa có quy hoạch hạ tầng đô thị đồng bộ thì tiền của bao nhiêu cho các dự án thoát nước cũng rất khó và không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Như vậy, việc người Thủ đô sống chung với nước trong mỗi mùa mưa vẫn là câu chuyện dài dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.