Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội bảo đảm đủ vắc xin tiêm phòng sởi

Thu Trang| 13/02/2014 06:24

(HNM) - Chiều 12-2, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khoảng 70-100 nghìn trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi.

Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có đủ vắc xin, vật tư y tế cũng như bố trí đủ nhân lực để tiến hành tiêm phòng vắc xin thường xuyên và tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ. Tại 577 xã, phường, thị trấn đều triển khai tiêm chủng định kỳ và tiêm miễn phí vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, trong đó có vắc xin phòng sởi. Ngoài ra, tại các điểm tiêm dịch vụ cũng sẵn sàng tiêm vắc xin sởi. Do đó, những gia đình có trẻ chưa tiêm sởi hãy đưa trẻ đi tiêm phòng ngay.

Ngày 12-2, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 8 tới ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi, rubella miễn phí cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Được biết, dịch sởi hiện nay không có gì bất thường, dịch bệnh diễn ra đúng chu kỳ 3-5 năm. Khi được tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi thì khả năng miễn dịch sẽ tăng lên 90%. Như vậy, mỗi năm có khoảng 5-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc sởi và đến chu kỳ dồn lại sẽ tập trung thành dịch. 

* Ngày 12-2, theo tin từ Bệnh viện (BV) bệnh Nhiệt đới trung ương, sau một thời gian không có ca mắc bệnh, ngay đầu năm 2014, tại đây đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên bị viêm não mô cầu. Đó là trường hợp của bệnh nhân nam B.H.Đ (21 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) được chuyển từ BV Đa khoa Phú Xuyên lên ngày 10-2 trong trạng thái tri giác lơ mơ, ban xuất huyết hoại tử rải rác trên da, viêm màng não, nhiễm trùng nặng, có dấu hiệu tiền sốc. Trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn nên ban đầu BV chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tuy nhiên, đến ngày 12-2, khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả, bệnh nhân bị viêm não mô cầu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển tốt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực của BV cho biết, điều lo ngại là bệnh viêm não mô cầu lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc gần do đó rất dễ bùng phát thành dịch. Mặt khác, bệnh này có biểu hiện bệnh rất giống với liên cầu khuẩn lợn nên dễ chẩn đoán nhầm. Viêm não mô cầu gây hai bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu do não mô cầu. Cả hai thể này đều nguy hiểm và có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, khi phát hiện bệnh nhân viêm não mô cầu cần cách ly nhanh chóng. Nếu tiếp xúc với bệnh nhân hoặc ca bệnh nghi ngờ cần đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Một số đối tượng đặc biệt khi tiếp xúc với mầm bệnh mà không được phòng hộ cần được hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng. Để phòng bệnh, người dân cũng nên chủ động tiêm vắc xin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bảo đảm đủ vắc xin tiêm phòng sởi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.