(HNM) - Tại báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, UBND TP Hà Nội xây dựng mục tiêu năm 2015 phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 9-9,5%; GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người: 75-77 triệu đồng; giảm 0,2% tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước; 55 xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới… Để đạt được các chỉ tiêu, UBND thành phố đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế: Chú trọng 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN (trong đó có thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, sửa đổi quy định thủ tục hành chính); thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch... Các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng; đề án phát triển công nghiệp đã phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các khu công nghiệp, chỉ đạo cổ phần hóa 28 DN và bộ phận DN; duy trì diện tích, tăng sản lượng lúa và các cây lương thực; phát triển đàn gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản, đồng thời quản lý tốt dịch bệnh.
Thứ hai, thành phố đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đầu tư công; tập trung đầu tư, hoàn thành 22 công trình trọng điểm. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, FDI; tăng cường quản lý đầu tư theo Luật Đầu tư công; xử lý triệt để nợ xây dựng cơ bản.
Thứ ba là bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Trong đó, thành phố sẽ tăng cường quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các chương trình, dự án về bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, về giảm nghèo bền vững, chú trọng hỗ trợ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng xa trung tâm, đồng bào dân tộc.
Thứ tư, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội: xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các điểm phục vụ khách theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển, đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và thông tin truyền thông; tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ năm là tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường. Thành phố tiếp tục chọn năm 2015 là "Năm trật tự và văn minh đô thị", tập trung 3 nội dung chính: Bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường; bảo đảm TTATGT, đường thông, hè thoáng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thứ sáu là tăng cường quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Các ngành, các cấp tiếp tục tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Tăng cường kỷ cương, pháp luật trong xã hội, bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin.
Thứ bảy là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Với việc tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành trong cả nước. Nâng vao vai trò của Hà Nội trong liên kết vùng; mở rộng các hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển với các Thủ đô, các tổ chức quốc tế và các nước.
Thứ tám, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng đơn giản hóa TTHC, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng.
Thứ chín là tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, y tế, giáo dục, môi trường, giao thông, vận tải…
Thứ mười là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát động phong trào thi đua yêu nước. Các cấp, các ngành phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như 85 năm Ngày thành lập Đảng, 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm thành lập nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.