Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: 10 doanh nghiệp được tạm ứng hơn 236 tỷ đồng bình ổn giá

Hương Thủy| 20/11/2015 10:34

(HNMO) - Chánh văn phòng Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc triển khai công tác bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian từ tháng 8/2015 đến hết tháng 4/2016 được thực hiện theo 3 hình thức.


Thứ nhất, tạm ứng vốn dự trữ hàng hóa từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố. Vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt cho 10 doanh nghiệp được tạm ứng 236,074 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá trên địa bàn Thành phố năm 2015 với các mặt hàng: gạo trắng thường, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, rau, củ.

Bằng các nguồn vốn huy động khác, các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng đối với 7 nhóm hàng (gạo tẻ; thịt lợn; thịt bò; thịt gà; trứng gia cầm; thủy hải sản tươi, đông lạnh; rau củ tươi) và chủ động bình ổn giá thêm đối với 3 nhóm hàng thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo Tết, sữa nước để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Chương trình “Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội” từ tháng 10/2014 đến hết tháng 4/2015  kết thúc, các doanh nghiệp tham gia đã thực hiện hoàn trả 100% vốn tạm ứng theo đúng thời gian quy định. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Đến nay, Liên sở Công Thương - Tài chính đã tiến hành ký cam kết trách nhiệm và tiến hành giải ngân vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Các doanh nghiệp cũng đã triển khai việc dự trữ hàng hóa theo danh mục để phục vụ bình ổn giá trên địa bàn Thành phố.

Thứ hai, kết nối ngân hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện đã có 9 tổ chức tín dụng đăng ký các gói tín dụng, với tổng hạn mức đăng ký là trên 11.700 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 9.379 tỷ đồng (lãi suất 4,4%-7,5%), vay dài hạn 2.372 tỷ đồng (lãi suất từ 5,99%- 10%).

Sở Công Thương đã có văn bản gửi thông tin về các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vốn vay và gửi thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng nghiên cứu thông tin, kết nối tiến hành vay vốn sản xuất kinh doanh thực hiện chương trình.

Thứ ba, tham gia chương trình không tạm ứng vốn. Hiện có 2 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình theo hình thức này là Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội và Công ty TNHH 2-9 Hà Tây.

Theo kế hoạch, Chương trình “Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội” năm 2015 triển khai bán hàng bình ổn tại 1.164 điểm, trong đó 395 điểm bán hàng của doanh nghiệp tham gia chương trình, 769 điểm bán liên doanh, liên kết… tại các quận nội thành, 207 điểm bán tại các huyện ngoại thành; tổ chức 23 Tuần hàng Việt trên địa bàn các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, mỗi Tuần hàng Việt diễn ra trong 7 ngày với quy mô trên 40 gian hàng của trên 35 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả hợp lý, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giầy, đồ da dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề và sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương; Tổ chức 30 phiên chợ Việt, 500 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố.

"Đến nay, 14/23 Tuần hàng Việt đã được triển khai trên địa bàn 13 quận, huyện; 18/30 phiên chợ Việt, 290/500 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố đã được thực hiện", bà Lan nói.

Được biết, trước đó, chương trình “Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội” từ tháng 10/2014 đến hết tháng 4/2015 đã tổ chức 34 phiên chợ Việt; 526 chuyến bán hàng lưu động thường xuyên trong cả năm; 3 phiên chợ Tết và 150 chuyến bán hàng lưu động tăng cường trong dịp Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức 7 trung tâm thương mại bán hàng tại 7 quận, huyện trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của nhân dân với qui mô từ 40-60 gian hàng tiêu chuẩn/1 điểm bán hàng với giá bán các mặt hàng thấp hơn giá thị trường từ 5-20%.

Kết thúc chương trình, các doanh nghiệp tham gia đã thực hiện hoàn trả 100% vốn tạm ứng theo đúng thời gian quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 10 doanh nghiệp được tạm ứng hơn 236 tỷ đồng bình ổn giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.