Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ ngầm đường cáp - còn lắm gian nan

Dạ Khánh| 09/04/2019 07:27

(HNM) - Mặc dù các đơn vị liên quan đang nỗ lực xây dựng thành phố

Thi công hạ ngầm tuyến cáp trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Hồng Kỳ


Tiến độ còn chậm

Thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND thành phố Hà Nội với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) ký ngày 4-6-2016 về hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, các đơn vị liên quan triển khai 4 đợt hạ ngầm theo phê duyệt của UBND thành phố.

Tuy nhiên hiện mới có 3 đợt với tổng số 121 tuyến phố đã, đang được các đơn vị triển khai. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 3 đợt thực hiện (đợt 1 phê duyệt năm 2016 với 18 tuyến phố, đợt 2 và đợt 3 phê duyệt năm 2017 với 103 tuyến phố), hiện tại mới có 85/121 tuyến phố được cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư, đơn vị thi công đã tiến hành hạ ngầm đường dây, đồng thời cắt hạ đường dây cũ, hạ cột cũ không còn sử dụng. Tại những tuyến phố đã hoàn thành hạ ngầm như: Hoa Lư, Võ Thị Sáu, Lò Đúc, Trần Khát Chân, Ngọc Hà, Đội Cấn, Quốc Tử Giám, Quang Trung, Trần Xuân Soạn..., cảnh quan đô thị đã được cải thiện rất nhiều. Đường phố phong quang, khang trang, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ và được nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương của thành phố.

Với 67 tuyến phố còn lại, thì 9 tuyến các doanh nghiệp điện lực, viễn thông đang triển khai thi công; 16 tuyến đã có giấy phép chuẩn bị thi công; 3 tuyến: Pháo Đài Láng, Phúc Xá, Đê La Thành đã xong phần điện lực, phần viễn thông xin tạm dừng thực hiện sau. Các tuyến khác đang nộp hồ sơ xin phép thi công... Như vậy, mặc dù 3 đợt này được phê duyệt từ năm 2016, 2017, song có thể thấy tiến độ thực hiện hạ ngầm còn khá chậm.

Trong khi đó, đợt 4 (UBND thành phố Hà Nội có Văn bản 3619/UBND-ĐT phê duyệt ngày 7-8-2018) với 56 tuyến phố, Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, song đến nay các đơn vị vẫn đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế với biện pháp thi công đồng thời cấp một giấy phép thi công chung (cấp cho điện lực).

Đâu là nguyên nhân?

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh việc thi công đặt ống ngầm dưới hè đường còn nhiều khó khăn do vướng các công trình ngầm, nổi, mặt bằng chật hẹp, khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng... Trong khi đó, từ tháng 6-2018, UBND thành phố yêu cầu bổ sung thêm công tác hạ ngầm hệ thống chiếu sáng cùng với hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, điện lực. Do các doanh nghiệp đang triển khai hạ ngầm dây cáp thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau, có các quy định về bố trí nguồn vốn, tổ chức đấu thầu... khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Ông Hà Phú Thịnh, Phó Giám đốc VNPT Hà Nội cho biết, yêu cầu thi công đồng thời theo một giấy phép thi công chung, theo đó các đơn vị điện lực, viễn thông, chiếu sáng phối hợp với nhau lập biện pháp thi công chung, giúp tiết kiệm chi phí, tránh phải đào đi, đào lại; hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt nhân dân và cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này cũng phát sinh vướng mắc. Chỉ cần một đơn vị chậm nộp phương án, thì các đơn vị còn lại sẽ phải chờ…

Đặc biệt, nguồn vốn để thực hiện cũng có vướng mắc không nhỏ. Cụ thể, theo Biên bản ghi nhớ với UBND thành phố Hà Nội, EVN Hà Nội cam kết dành 1.500 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông, mỗi đơn vị cam kết dành 500 tỷ đồng để thực hiện hạ ngầm đường dây giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội chia sẻ, trong tổng số 74 tuyến phố đã thi công xong, 25 tuyến phố đang thi công hạ ngầm, 56 tuyến phố (đã có quyết định phê duyệt đợt 4) sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2019; số tiền đơn vị dành cho công tác hạ ngầm đã vượt quá dự kiến. Điển hình là tuyến Thụy Khuê được UBND thành phố phê duyệt hạ ngầm từ đợt 1 (cuối năm 2016), tuyến Trương Định phê duyệt đợt 2 (đầu năm 2017), song cho đến nay công tác triển khai vẫn bị đình trệ do kinh phí hạ ngầm các tuyến đường này vượt quá quy định theo thẩm quyền phê duyệt của VNPT. Hay như tại một số tuyến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, được phê duyệt đợt 3, cuối năm 2017, nhưng thời điểm đó UBND quận Hoàn Kiếm chưa cho phép thi công. Đến lúc quận đồng ý thì EVN Hà Nội lại chưa bố trí được vốn...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai, UBND thành phố Hà Nội cũng đã rút ngắn thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng công trình bằng việc tập trung một đầu mối cấp phép, đơn giản và rút gọn hồ sơ cấp phép (Sở Giao thông - Vận tải cấp phép cả đào đường và hè). Thực tế, đây là những dự án xã hội hóa, công tác thực hiện hạ ngầm hoàn toàn do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Mặc dù công tác triển khai còn chậm, chưa đúng như dự kiến, song cũng phải ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan của thành phố, tất cả nhằm xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố “không dây” an toàn, khang trang, sạch đẹp.

Để hoàn tất việc hạ ngầm tất cả các tuyến phố tại 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), ngày 26-2-2019, Sở Xây dựng đã có Văn bản 1549/SXD-HT đề nghị UBND các quận, đơn vị điện lực, viễn thông xây dựng kế hoạch hạ ngầm đợt 5 với 59 tuyến phố.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ ngầm đường cáp - còn lắm gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.