Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gương soi” nỗ lực cải cách

Hồng Sơn| 17/04/2015 06:07

(HNM) - Thực trạng và thứ bậc của các tỉnh, thành phố trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 là nội dung chính được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố ngày 16-4, tại Hà Nội.

Hà Nội khẳng định chính mình

Chỉ số PCI được xây dựng trên cơ sở đánh giá 10 chỉ số thành phần, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Năm 2014, VCCI đã thu thập thông tin, điều tra gần 10.000 DN dân doanh. Trên cơ sở đó, giới chuyên gia đã phân tích, tổng hợp và công bố kết quả cuối cùng, với thông tin quan trọng nhất là thứ hạng của từng tỉnh, thành phố và đó là "tấm gương" phản ánh chất lượng, năng lực điều hành của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thực tế cho thấy đã, đang xuất hiện làn sóng cải cách ở các địa phương thông qua việc củng cố và nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI, để từ đó có thể hỗ trợ DN, tạo đà tăng trưởng nhanh, thu hút đầu tư, tạo việc làm và nguồn thu qua các năm kế hoạch.

Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút ngày càng đông doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.


Theo VCCI, diễn biến về PCI năm 2014 không có nhiều sự thay đổi và một số tỉnh, thành phố vốn có "truyền thống" dẫn đầu vẫn tiếp tục ở vị trí xứng đáng trong bảng xếp hạng. Cụ thể, Đà Nẵng vẫn bảo vệ được vị trí quán quân với 66,87 điểm. Đây là "ngôi sao sáng" trong nhiều năm; tiếp theo là Đồng Tháp và Lào Cai. Đáng lưu ý, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm số cao lần này có một số địa phương đã phấn đấu rõ rệt trong quá trình nâng cao sức cạnh tranh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên - đại diện trong khu vực phía Bắc; Kiên Giang, Long An ở phía Nam. Trong khi đó, các tỉnh thuộc khu vực miền núi Tây Bắc vẫn đứng cuối bảng như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên...

Đặc biệt, Hà Nội đang giữ vững đà vươn lên, cải thiện thứ hạng của mình trong bảng tổng sắp PCI năm 2014, chiếm vị trí thứ 26, tức tăng 7 bậc so với năm trước. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu liên tục, với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao của chính quyền các cấp, cơ quan hữu quan. Thực tế này là kết quả hàng loạt cuộc gặp của thành phố với lãnh đạo các DN, là kết quả từ những chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo thành phố đối với các sở, ngành chức năng... qua đó, điều chỉnh các vấn đề liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, chủ động hỗ trợ DN.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ:

Năm 2014, Đà Nẵng xác định là năm vì DN, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm đồng hành cùng DN; đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến thành lập và hoạt động của DN trên tinh thần cầu thị, tự giác phục vụ DN của các cán bộ công chức…

Theo các chuyên gia, mỗi địa phương đều có đặc điểm, thuận lợi và khó khăn riêng và không thể có "mẫu số chung". Đối với Hà Nội, việc cải thiện thứ bậc (dù là một bậc) cũng là khó khăn, bởi vì số lượng DN đăng ký hoạt động trên địa bàn rất lớn, số lượng công việc liên quan đến DN đã tạo ra sức ép đối với chính quyền cũng như các ngành chức năng. Hơn nữa, các DN Hà Nội cũng "khó tính" hơn, yêu cầu cao hơn so với các đơn vị ở địa phương khác. Lãnh đạo VCCI cho rằng: Hà Nội đã tỏ rõ sự nỗ lực rất cao, liên tục trong quá trình cải thiện năng lực điều hành, hỗ trợ DN những năm gần đây. Đây là thành quả đáng ghi nhận, đầy sức thuyết phục, từ đó DN có thêm điều kiện và niềm tin để hoạt động tốt, đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Tín hiệu lạc quan

Ở góc độ khác, kết quả cuộc điều tra PCI lần này càng khẳng định rõ một số vấn đề quan trọng. Đó là, PCI phản ánh, cảm nhận khách quan của các DN đối với chính quyền, nhìn thẳng vào các vấn đề đặt ra như: Cơ quan chức năng làm được gì hoặc chưa làm được gì cho DN? Khả năng đáp ứng yêu cầu chính đáng của DN có tính đến từng vấn đề, tiêu chí cụ thể...? Một số địa phương có năng động, ý thức tốt về việc chia sẻ, đồng hành cùng DN đã tìm ra biện pháp phù hợp để hỗ trợ DN. Kết quả sẽ ngược lại với những địa phương thiếu quan tâm hoặc gây khó cho DN.

Sức hấp dẫn của mỗi địa phương không chỉ phụ thuộc vào lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi về giao thương, hay được đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng... Ở thời điểm này, DN luôn so sánh, đánh giá những yếu tố "mềm" như năng lực điều hành, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền... Có thể thấy, đã đến lúc không còn chỗ cho tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào những gì có sẵn trên địa bàn, vấn đề cốt yếu hiện nay là quan tâm đến DN bằng tư duy sáng tạo và gần gũi, đồng hành cùng DN. Đó cũng là thực tế. Và điều đó lý giải vì sao Lào Cai và Đồng Tháp không có thế mạnh đặc biệt, nhưng lại được cộng đồng DN đánh giá cao, trở thành hình ảnh thể hiện thực tế "đất lành chim đậu" đối với hoạt động đầu tư, thúc đẩy kinh doanh.

Đại diện nhóm nghiên cứu PCI cũng cho biết, qua việc điều tra đã thấy xuất hiện một số thông tin thể hiện sự chuyển biến tích cực, sự "ấm" lên của nền kinh tế, như số DN chủ động xin tăng vốn 11% so với năm trước; niềm tin vào thị trường tiếp tục được củng cố... Đặc biệt, yếu tố này xuất hiện ở thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập các hiệp định thương mại tự do có thể xem là một tín hiệu lạc quan cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam .

Doanh nghiệp chính là chủ nhân thực sự của PCI hằng năm và đây là hoạt động thu hút sự quan tâm ngày càng sâu sắc, liên tục của cộng đồng DN. PCI đã trở thành tiêu chí đánh giá sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền địa phương, là công cụ giám sát hiệu quả hoạt động điều hành, thậm chí là động lực để thay đổi việc thực thi công vụ đối với đội ngũ công chức…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Gương soi” nỗ lực cải cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.