(HNM) - Kể từ năm 1988, khi quy hoạch xây dựng Hà Nội đến năm 2020 được phê duyệt tới nay, thành phố đã qua nhiều kỳ điều chỉnh cục bộ cho sát với đòi hỏi thực tế. Còn ngược lên, kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, quy hoạch xây dựng do người Pháp lập thì đã mở rộng, điều chỉnh nhiều lần.
Hà Nội năm 1954 chỉ 20 vạn dân, nay bao nhiêu thì chưa tính chính xác được. Với quyết định mở rộng Thủ đô ra đời quy hoạch chung đã hình thành. Định hướng, ý chí được thể hiện qua những tiêu chí để các chuyên gia xác lập quy hoạch xây dựng chung, rồi người làm quy hoạch trong và ngoài nước có thể suy ngẫm...
Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt
Quy hoạch đô thị: Kiến trúc thôi chưa đủĐô thị hôm nay tuy có yếu này kém nọ nhưng đã nhiều nét hiện đại, thoáng rộng và cởi mở hơn. Việc giải tỏa nội thành xưa bằng những khu cao tầng, với những quy định chặt chẽ mang lại không gian tốt lành cho con người: vườn cây, bể bơi, sân chơi… Với những cố gắng không mệt mỏi, Hội Kiến trúc sư (KTS) đã có những thành công bước đầu phấn đấu cho nền kiến trúc đương đại nhưng không tách rời văn hóa dân tộc. Những yếu tố lệch lạc đã dần dần vắng bóng. Người Hà Nội làm quen với những khối hình hoành tráng, mảng chắc và khỏe, màu sắc bạo hoặc trang nhã, khai thác đặc trưng hình học, kỹ thuật, vật liệu, thẩm mỹ phương Tây như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm Báo chí quốc tế... Đáng mừng là chủ nghĩa hình thức, kiểu cách gờ, chỉ đã bị loại dần. Đã có đề nghị mở đường kèm theo mở các dãy phố hiện đại hai bên. Sở QHKT và Hội KTS đã thiết kế thành công một số tuyến phố. Đã có những hướng dẫn để những khu nhà ở mới cao tầng giảm nét khô cứng, hợp với đất nước nắng lắm, mưa nhiều. Không gian xanh, kết cấu chống động đất đang được bàn luận nhiều. Nhiều cơ sở dịch vụ, hành chính, sản xuất nhỏ… được đưa dần đến các khu đô thị mới để giảm tải. Địa giới Thủ đô mới, rộng mở cho quy hoạch không chỉ hôm nay, ngày mai mà còn ở tầm nhìn xa hơn, nhiều đời sau.
*
Để hiện đại đúng cách, cần nhìn thấy vài vấn đề không phải là xa xôi gì lắm. Hà Tây (cũ) đưa vào Hà Nội (mới) 278 xã với hơn 1.000 làng, nâng tỷ lệ dân số nông thôn từ 37% lên hơn 50%. Số phận các làng ấy sẽ ra sao? Có làng sẽ mất đi, nhường đất cho đô thị, có làng vẫn còn tên. Không ít làng nhập vào phố, "lên" phường, thôn đổi thành ngõ, xóm thành ngách, rồi ngách nọ chồng lên ngách kia, số nhà chồng chéo lên nhau.
Trước hết và gốc rễ là phải nhìn nhận xây dựng và quản lý đô thị theo quan điểm hiện đại. Xây dựng và mở rộng Thủ đô không phải chỉ là phần việc kiến trúc mà còn là lĩnh vực của sáng tạo nghệ thuật, thực hành xã hội, trở thành thiết chế kinh tế xã hội, văn hóa, tức là thiết chế nhà nước. Không thể đơn giản cứ từ quy hoạch chung "tỏa" nhỏ ra, rồi phấn khởi công bố "đã phủ kín quy hoạch chi tiết". Người quản lý đô thị phải nắm toàn diện xã hội, được học bài bản, để biết sử dụng năng lực của các KTS, nhà kỹ thuật, kinh tế, xã hội học... Bộ Xây dựng đã có dự án, lộ trình cụ thể, đào tạo, bổ túc cán bộ quản lý quy hoạch cấp cơ sở, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia đã có khoa Đô thị. Không mang danh, nhưng đích thân Chủ tịch thành phố phải là KTS trưởng và tất nhiên cần có "cố vấn". Cần đổi mới mô hình quản lý theo xu hướng chính quyền đô thị, như TP Hồ Chí Minh đang thí điểm.
Đô thị cũ hình thành theo quy hoạch hiện đại từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều làng xóm bị xóa hẳn, có chăng chỉ còn trên sử sách. Sang đầu thế kỷ XXI, nhiều làng cũ vẫn còn tên: Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Thụy Khuê, Dịch Vọng, Định Công… nhưng đã mất hẳn bóng dáng xưa, hòa tan vào "phường". Xóm đổi thành ngõ, ngách, hẻm, đường làng bê tông hóa. Nhà tranh, nhà gỗ xưa lụi tàn dần. Không còn một bụi tre cho đáng gọi là "bụi". Nhà mới mọc lên, dăm ba tầng, của người tứ xứ, cả của người vốn "chân lấm tay bùn". Cuối thế kỷ trước, tuy xây dựng chưa phải là nhiều, nhưng Kim Liên, Trung Tự, Thụy Khuê, Nghĩa Đô, Dịch Vọng… đã bị "nhà cao, cửa rộng" bao vây, nay thì chính người sở tại cũng phải mày mò mới tìm ra cái cổng làng mình đang bị chèn ép giữa những khối xây ngất ngưởng. Ai đó đã đặt ra cái mỹ tự "những ổ chuột bằng vàng" - nghĩ mà xót. Dòng chảy xây cất dữ dằn xuôi về làng mạc, chẳng ai chỉ bảo, luật pháp lỏng lẻo, lệ làng xóa bỏ, cứ mạnh ai nấy xây. Đường ngõ càng ngoằn ngoèo hơn. Không có quy hoạch kiến trúc, san nền, thoát nước, lại lấp ao lấy đất xây dựng, làng như cái túi hứng nước. Rồi ra "lên" phường, thành quận, nhà cao hơn, ra khỏi cổng là xe máy, ô tô nhưng xem ra cực khổ, ô nhiễm hơn. Mà xem ra ở nhiều nước đang phát triển, đây cũng là chuyện phổ biến. Bắc Kinh, với khoảng 1,5 triệu dân của hơn hai chục làng trong thành phố, đang nan giải cho các nhà quản lý.
Quy hoạch nông thôn: Giữ ngôi làng truyền thống
Hà Tây, vùng đất của Nam Sơn Hạ, xứ Đoài xưa với hơn 1.000 làng, đã hòa vào Hà Nội. Bao nhiêu làng nghề - khởi tổ của không ít phố cổ Hà Nội, bao nhiêu di tích lịch sử cùng danh thần, danh tướng, tài tử, giai nhân nhập vào, mang theo truyền thống văn hóa. Trong quy hoạch xây dựng Hà Nội mới hàng trăm làng ấy sẽ không thể bị "đô thị hóa" đến mức cái cổng làng cũng bị xô đẩy. Mà Hà Tây có hàng trăm cổng làng "di sản" đã từng là chủ đề cho một triển lãm của Hội KTS. Bài học xưa không cho thấy việc "thôn tính" làng mạc đã kéo theo vô vàn hệ lụy. Thay đổi phương thức canh tác, phương án sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo dựng trang trại, thay đổi nếp ăn, ở, sinh hoạt là những vấn đề lớn. Những năm qua, do nhu cầu bức bách nên làng xóm xây ồ ạt, xô bồ. Nay đã ở thời kỳ đổi mới, đã có chút vốn liếng về trí tuệ, về tiền của, công sức, sự hiện đại hóa, phát triển kiến trúc phải giữ cho làng xóm không bị thoái hóa về vật chất, tinh thần, thẩm mỹ. Giữ đôi ba nhà cổ là cần thiết, nhưng khó hơn và cần hơn là ngôi làng truyền thống. Quy hoạch làng xóm ra sao, kiểu mẫu nào để phù hợp với thực tế đang từng ngày sôi động, có sức thuyết phục nông dân tìm ra phương thức đưa cái hiện đại vào đời sống đều là những vấn đề nan giải.
Ngay từ năm 1948, trong thư gửi hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Bác Hồ đã nhắc việc cần thiết về kiến trúc nông thôn, mà chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Nghị quyết TƯ về “Tam nông” vừa qua là chỗ dựa để kiến trúc đi vào nông thôn nói chung. Làng không thể biến hẳn trong phố (đúng ra là thành những khu ổ chuột khổng lồ) mà cần phát huy được bản sắc làng trong lòng thành phố.
Hà Nội (cũ) đã mở rộng với nhiều khu cao tầng, mà trong kinh doanh cứ mặc nhiên quảng cáo "căn hộ cao cấp". Thôi thì cứ cho là cao cấp, nhưng nó bao vây làng, chặn đường thoát nước, khiến làng như cục bê tông lổn nhổn giữa ao tù, nguy hiểm hơn là thành ra bãi rác lưu cữu mà Triều Khúc có thể coi là điển hình. Ô nhiễm đủ thứ, tiếng ồn, không khí… ngày nắng nồng nặc hôi thối, chỉ vài chục phút mưa là khắp làng nước dềnh lên hòa nước thải đen ngòm. Đường xã ngập nước, người lội bì bõm, xe chết máy. Ngày trước, cánh đồng làng rất rộng, bây giờ nhà cửa ống khói đất dãn dân tràn lan, cánh đồng lúa thay bằng phế thải. Nghề dệt truyền thống mai một thay cho thu mua và chế biến phế liệu.
Hà Nội mới có tới 1.270 làng nghề, đang đợi nghiên cứu dự án quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đồng thời chờ xét duyệt danh hiệu làng nghề và nghệ nhân. Các làng Hà Tây cũ đang phối hợp với văn nghệ dân gian điều tra, khảo sát kiến trúc, văn hóa, để xây dựng mục tiêu cho từng vùng, từng làng quy hoạch. Làng lụa Vạn Phúc, đương nhiên khác với Làng cổ Đường Lâm, Làng nghề Cự Đà, Bát Tràng khác với đất du lịch Ba Vì. Không gian làng trong thành phố không thể giống làng giữa cánh đồng, không thể như các "làng - ốc đảo" bị bao vây, chèn ép giữa đô thị. Tìm ra nét đặc thù này là hết sức cần thiết nếu muốn quy hoạch Thủ đô (mới) vẹn toàn.
Hội KTSVN vừa kết thúc cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn trên 5 vùng miền. Chưa phải tất cả phương án được trao giải đã đi vào lòng dân, nhưng đây là cố gắng, thành công bước đầu để hiện đại hóa làng xóm. Hà Nội cũng đang nghiên cứu thí điểm quy hoạch nông thôn mới cho 3 xã. Có thể ngó sang Bruney để rút kinh nghiệm chăng: Làng Water Village ở thủ đô, đã có 500 tuổi được giữ lại trên cơ sở nâng cấp hợp với lối sống hiện đại với Thánh đường Hồi giáo, nhà bè... Cư dân có đủ nhà kinh doanh, viên chức, trí thức rất giàu có và đều thích sống trên mặt nước theo truyền thống. Ngó sang, để thấy Hà Nội phải chọn được những nơi có điều kiện hiện đại hóa trên cơ sở bản sắc truyền thống như Làng lụa Vạn Phúc, Làng gốm Bát Tràng, Làng cổ Đường Lâm, làng cổ nhiều nghề Cự Đà, làng khoa bảng Đông Ngạc... phải được chọn lựa để hiện đại hóa trên bản sắc truyền thống, lồng ghép vào quy hoạch chung.
Từ ngày thành lập Bộ Kiến trúc (tiền thân Bộ Xây dựng) đã có Cục Đô thị Nông thôn. Dịp này nên đậm nét hai tiếng "nông thôn". Nói như KTS Hoàng Đạo Kính, "Vấn đề thực sự lớn là làm sao vừa phát triển kiến trúc xóm làng, vừa giữ cho chúng không bị thoái hóa về phương diện vật chất, tinh thần, thẩm mỹ. Đó là điều quan trọng hơn việc chỉ lo bảo tồn các nhà cổ". Gia nhập WTO, Hà Nội rộng mở đón các nhà khoa học kiến trúc, quy hoạch đô thị vào cộng tác cùng đồng nghiệp Việt Nam. Mong sao cái mới, cái đương đại sẽ hòa quyện với bản sắc truyền thống để có một bộ mặt kiến trúc Thủ đô thật hài hòa.
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Cuộc thi còn một kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.
BTC |