(HNM) - Thời gian gần đây, sau nhiều lần các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, một câu hỏi đặt ra là: Gửi tiết kiệm có còn là lựa chọn của nhiều người, hay thay vào đó là đầu tư kinh doanh bất động sản, vàng, hoặc ngoại tệ…?
Nhìn vào thực trạng giá trị của VND hơn 10 năm trở lại đây cũng đã thấy sự thay đổi rõ nét. Nếu như đầu những năm 2000, một người sở hữu khoảng 1 tỷ đồng đã được coi là khoản tiền kếch xù, vì có thể mua được một mảnh đất, một căn nhà đẹp. Trước đó, những năm khoảng 1998-1999, một mảnh đất ở Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai) chỉ có giá vài trăm triệu đồng, thậm chí một khu có vị trí hiện nay được coi là đắc địa như Trung Hòa - Nhân Chính cũng có thể mua được nhà với giá trên dưới 1 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm, khoản tiền 1 tỷ đồng không mua nổi một căn hộ chung cư đẹp chứ chưa nói là mua được nhà hay đất ở những vị trí gần trung tâm.
Với những người có khoản vốn 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất an nhàn, hoàn toàn yên tâm vào thời điểm đó, vì mức thu đủ nuôi sống một gia đình với 5-6 thành viên. Hiện nay, 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm, lãi suất chỉ dừng ở 5-7 triệu đồng/tháng, tùy thuộc kỳ hạn gửi, cộng với sự biến động về giá của các mặt hàng tiêu dùng, người sở hữu khoản tiền này sẽ không dễ xoay xở để lo cho cuộc sống một gia đình có 5-6 thành viên.
Người dân hiện phải tính toán khi chọn giải pháp tích lũy bằng hình thức gửi tiết kiệm. Ảnh: Bảo Lâm |
Với vàng, 10 năm gần đây giá vàng đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Nếu vào cuối năm 2004, giá trong nước chỉ ở mức 750.000 đồng-790.000 đồng/chỉ, nay đã ở ngưỡng 3,58 triệu đồng/chỉ (giá bán ra ngày 19-1), tức là vàng đã tăng giá gần gấp 5 lần trong vòng 10 năm. Nhưng, mức giá này chưa phải là "đỉnh", có thời điểm, giá chạm ngưỡng 48 triệu đồng/lượng, tăng gấp hơn 6 lần. Nếu sở hữu 1 tỷ đồng vào 10 năm trước có thể mua khoảng 126 lượng vàng, nay chỉ mua được hơn 28 lượng. Tuy nhiên, giá vàng tăng hay giảm không phải do VND cao hay thấp, ngay cả khi giá trong nước có cao hơn thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng. Chiều đi của giá vàng trong nước phụ thuộc diễn biến của thế giới: Khi giá thế giới tăng, trong nước cũng tăng và ngược lại, nên không thể "đổ tội" cho sự leo thang của giá vàng là do VND đi xuống. Hơn nữa, vàng không thể coi là thước đo của mọi giá trị hàng hóa.
Trước đây, khi giao dịch nhà, đất, người ta thường mang vàng ra để định giá, chẳng hạn như một mảnh đất được rao bán "100 cây vàng" hay ngôi nhà có giá "50 cây vàng", hoặc đơn giản tài sản có giá trị tương đương bao nhiêu cây vàng… Thói quen này đã tạo cho vàng một giá trị vô hình, tiếp tay cho tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế. Giá trị thực của vàng đã bị đẩy lên quá cao, nên giá trong nước nghiễm nhiên vênh cao với giá thế giới, bất chấp cơ quan chức năng đã cảnh báo, giá trong nước cao hơn thế giới 1 triệu đồng là có dấu hiệu đầu cơ, nhiều người vẫn đổ tiền vào vàng. Thực tế là nếu người dân không quá "vồ vập" vàng, tìm mọi cách tích trữ vàng thay cho những phương tiện đầu tư khác, vàng không có cơ hội nhảy múa như vậy và vàng cũng không có điều kiện để ở thế chênh vênh nếu so sánh với tiền VND.
VND không phải hoàn toàn có "lỗi" với giá trị bất động sản hay vàng. Theo lãnh đạo của một ngân hàng tại Hà Nội, bất động sản có những thời kỳ phát triển quá "nóng", nên giá "leo thang" không theo nhu cầu thực tế. Quá nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ bất động sản khiến giá nhà, đất tăng cao hơn so với giá trị thật, khiến khoản tiền để với tay đến bất động sản cứ thế bị nới dần, gây cho nhiều người cảm giác lo lắng về giá trị của VND.
Đối với vàng cũng vậy, nhiều người mua vàng để tích trữ cũng khiến giá vàng quá cao, hơn nữa nước ta phải nhập khẩu vàng, do đó giá trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới. Giá vàng quá cao không thể đổ lỗi cho VND xuống giá. Nhưng không phải thứ hàng hóa nào cũng "đắt" như đất và vàng. Nhiều thứ hàng hóa phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như: thức ăn, chi phí điện, nước… chỉ tăng theo tỷ lệ lạm phát. Vì vậy, người dân không nhất thiết chỉ đầu tư vào vàng hay bất động sản, mà vẫn có thể tìm đến kênh tiết kiệm, đây là nơi bảo toàn vốn an toàn và an nhàn. Song, điều quan trọng hiện nay là ngành chức năng cần có những giải pháp để tăng giá trị VND, vừa tránh tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, vừa để bảo vệ hình ảnh của đồng nội tệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.