Hai năm nay, với tinh thần tương thân tương ái, bà Ngô Phương Lan (số nhà 5, ngõ 6, ngách 13 phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) đã đan nhiều áo len tặng trẻ em nghèo. Vượt lên những cơn đau bởi bệnh tật, gửi gắm tình cảm, sự chia sẻ, động viên vào từng mũi đan, những chiếc áo len chất chứa tình người của bà
Bà Lan năm nay 84 tuổi, từng có 5 năm công tác tại tỉnh Hà Giang nên thấu hiểu hoàn cảnh của người dân, đặc biệt là trẻ em ở vùng núi rất khó khăn, nhất là khi mùa đông về. Hình ảnh những đứa trẻ chân tay tím tái, co ro trong manh áo mỏng trước cái lạnh "cắt da, cắt thịt" thôi thúc bà phải làm việc gì đó để giúp đỡ các em. Khát khao ấy vẫn không ngừng cháy bỏng ngay cả khi bà bị bệnh về xương, không đi lại được. Từ xem chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam, bà đã nảy ra ý tưởng đan áo len để tặng các em. Dù chân đau buốt mỗi khi trái gió trở trời, bà vẫn kiên trì đan áo để gửi cho các em nhỏ khó khăn, giúp các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Được chồng, các con ủng hộ, năm 2015 bà đã đan 47 áo len để tặng trẻ em nghèo, năm 2016 bà đan 40 áo. Cùng với áo len, năm 2015 - 2016, bà Lan còn mua 100 áo phao gửi cho các học sinh vùng cao.
Mỗi khi bà Lan ngồi đan, ông Chấn (chồng bà) lại ân cần ngồi bên gỡ len, trò chuyện, viết thư cho vào túi áo để động viên các cháu nhận áo. Các cháu của ông bà thì giúp đỡ gấp áo gọn gàng, cho vào túi. Bà Lan vui mừng khi việc làm nhân ái của mình đã không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà nhiều người trong xã hội đã biết đến, bày tỏ sự cảm động và tặng len để bà tiếp tục đan áo...
Bà Lan chia sẻ, cuộc sống ngày càng phát triển, bên cạnh những hộ có cuộc sống khá giả thì vẫn còn không ít gia đình khó khăn... Bản thân bà không giúp được tất cả các em, nhưng bà tin rằng, trong cuộc sống vẫn còn nhiều Mạnh Thường Quân, những người có tấm lòng nhân ái. Tất cả sẽ chung tay góp sức gửi thương yêu lên vùng cao, để cuộc sống của các em học sinh đỡ vất vả hơn. Do hoàn cảnh sức khỏe không cho phép đến tận nơi để trao quà nhưng thông qua những hình ảnh ghi lại, những lời cảm ơn mộc mạc được gia đình các em học sinh nhờ người chuyển tới, bà Lan vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc. Đó chính là nguồn sức mạnh để bà tiếp tục duy trì việc làm nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa như nhiều người ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.