(HNM) - Cách trung tâm Thủ đô dăm, sáu chục cây số, hằng ngày phải lo toan sinh kế, nhưng cán bộ, đảng viên và người dân vùng sâu, vùng xa Hà Nội vẫn dõi theo sự kiện chính trị quan trọng - Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XV nhiệm kỳ 2010-2015 bắt đầu diễn ra hôm nay, 25-10. Chân thành và bộc trực, họ đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với niềm tin cháy bỏng vào tương lai ngày càng phát triển của Thủ đô.
Quê nghèo rạng rỡ niềm vui
Nông thôn mới Hà Nội đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Trọng Đức
Hơn hai năm trước, những ngày đầu Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, chúng tôi đến xã Yên Trung, một trong 4 xã thuộc huyện miền núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) hợp nhất về thành phố (nay thuộc huyện Thạch Thất). Yên Trung là xã xa nhất và nghèo nhất trong 4 xã, thiếu thốn cả điện, đường, trường, trạm, đặc biệt là điện. Điện đối với hơn 3.000 dân Yên Trung ngày đó là mơ ước. Ngày đó Yên Trung, nơi có thì nguồn điện yếu nên muốn xem tivi thì phải tắt đèn, muốn bật quạt thì phải tắt tivi. Hai thôn Hương và Hội thậm chí còn chưa có điện, tối đến chỉ có đèn dầu leo lét.
Chị Đinh Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hương, xã Yên Trung vẫn nhớ mãi cảm giác vừa buồn vừa sợ mỗi khi trời tối hơn hai năm về trước. "Ngày đó, muốn dùng điện phải tự kéo dây hơn 3km mua điện giá đắt (hơn 1.500 đồng/số) ở bên Yên Quang. Trong thôn chỉ có vài nhà khá giả là "dám" làm thế. Nhưng điện mua được cũng chỉ đủ thắp sáng một, hai bóng đèn công suất thấp" - chị Mai nhớ lại. Không có điện, trẻ con muốn học cũng "nản" mà cả làng "mù" thông tin, loa truyền thanh cũng chẳng có, tối đến chỉ còn nước đi ngủ. "Các cháu bây giờ có đèn sáng để học, trời nóng được dùng quạt điện, lại có cả tivi để cả nhà xem… Đi xát gạo bây giờ cũng không còn phải đi xa như xưa nữa" - chị Mai hồ hởi kể.
Ông Đinh Quang Tho, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung nhẩm tính: "Từ ngày về Hà Nội, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã chúng tôi trên dưới 40 tỷ đồng. Hơn 7 tỷ đồng làm đường bê tông vào các thôn; tu sửa trường tiểu học; trên 5 tỷ đồng xây dựng trường mầm non; trạm y tế vừa đầu tư mới 2 tầng; chúng tôi cũng vừa khởi công xây dựng trường THCS với vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng… Riêng thôn Hương được đầu tư 6,3 tỷ đồng cho điện, đường bê tông, nhà văn hóa, trường mầm non và hệ thống thủy lợi". Ông còn hồ hởi khoe, quý I-2011 tới, trụ sở xã cũng sẽ được xây mới. Con đường bê tông mới hoàn thành từ trung tâm xã đến thôn Hương dài gần 2km, hai bên cây cối xanh ươm.
Nhớ lại không khí vui tươi của bà con xã nhà kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bí thư Đinh Quang Tho kể: "Chúng tôi tổ chức thi bắn nỏ, kéo co, ném còn, đẩy gậy… đều là những trò chơi dân gian của dân tộc Mường (chiếm 81% dân số xã), 10 ngày Đại lễ chúng tôi có 10 tối văn nghệ và một tối tập trung tại xã. Bà con nô nức tới xem. Được doanh nghiệp và thôn hỗ trợ, bà con còn tự tổ chức mổ trâu, bò liên hoan ở từng thôn, xóm. Tưng bừng lắm. Có lẽ chưa bao giờ bà con lại có dịp vui như vậy!". Vui vì Đại lễ ngàn năm có một, nhưng bà con còn vui vì sự đổi thay của quê hương, bởi việc thoát nghèo đang ngày càng rõ nét. Hai năm qua, Yên Trung đã thay da đổi thịt thực sự, đời sống cả tinh thần và vật chất đều tiến lên một bước. "Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người cả xã là khoảng 8 triệu đồng/người/năm, năm 2010, chúng tôi chắc chắn sẽ đạt khoảng 10 triệu đồng/người/năm. Năm nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 11% so với 20% năm 2008" - ông Tho phấn khởi khoe.
Gửi gắm tâm nguyện
Yên Trung nghèo khó năm nào, nay đang thay da đổi thịt, lại có thêm một vinh dự khi Bí thư Đảng ủy xã, ông Đinh Quang Tho là người duy nhất trong số 23 Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn của huyện Thạch Thất được cử đi dự Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV. Chia sẻ về vinh dự này, ông nói: "Tôi thấy đây còn là trách nhiệm. Bởi ngoài đóng góp ý kiến cho Đại hội, mình còn phải tiếp thu tinh thần và Nghị quyết của Đại hội để về tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và bà con địa phương, phục vụ phát triển thời gian tới". Biết ông Tho, cũng là người dân tộc Mường, có được vinh dự này, đảng viên xã nhà mừng lắm. 174 đảng viên của Yên Trung thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ đã tích cực đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố. Những ý kiến này đã được họ giao trách nhiệm cho Bí thư Tho mang tới Đại hội. "Chúng tôi mong thành phố sớm có Quy hoạch chung để tạo điều kiện cho đầu tư xây dựng. Ô nhiễm môi trường cũng cần phải được giải quyết căn cơ hơn. Nên hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp và cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn thiết thực hơn" - người Bí thư xã lần đầu tiên tham dự Đại hội Đảng bộ TP tiết lộ một phần ý kiến sẽ đóng góp. Ông tin rằng, với tinh thần đổi mới và cầu thị, Đại hội sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân để xây dựng định hướng phát triển đúng đắn cho nhiệm kỳ tới.
Trở lại câu chuyện làm ăn kinh tế với chị Đỗ Thị Mai, chúng tôi được biết chị em phụ nữ ở Yên Trung còn được ưu tiên vay vốn sản xuất đến 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 3 năm, hai năm đầu được hưởng lãi suất thấp. "Nhờ có vốn, chúng tôi đầu tư cho nuôi bò, thả cá. Nhiều nhà khá lên nhờ thế, như nhà chị Đạt, chị Hà trong thôn mua được cả xe máy, tivi, máy bơm...". Chị Mai mong muốn Ban Chấp hành mới của Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy chủ trương, chính sách đúng đắn đã đem lại sức sống mới cho xã Yên Trung hai năm qua, tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo vùng sâu, vùng xa. "200ha đất nông nghiệp còn kém vì thủy lợi chưa được đầu tư, mong thành phố quan tâm" - chị đề nghị.
Góp chuyện giữa tôi và chị Mai còn có chị Nguyễn Hằng Nga, Bí thư Chi bộ thôn Hương. Nở nụ cười tươi khi được hỏi về những bước tiến của xã nhà, chị Nga cho biết: "Dù được thành phố quan tâm, nhưng chúng tôi cũng vận động bà con chủ động, nêu cao tinh thần tự lực vượt khó, không trông chờ". Tuy nhiên, chị cũng bộc bạch nỗi băn khoăn về công tác đảng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là cách tính phụ cấp căn cứ vào số dân. "Dân thôn Hương thì ít, nhưng ở rải rác cách xa nhau nhiều lắm. Với phụ cấp chưa đầy 300 ngàn đồng/tháng, chúng tôi rất khó khăn, tiền xăng xe đã hết mất rồi". Đó là chưa kể, với 7 đảng viên, mỗi tháng mỗi người đóng 1.000 đồng tiền đảng phí. Chi bộ được trích 50% để chi phí hội họp, tính ra mỗi tháng chi bộ của chị Nga chỉ có… 3.500 đồng để làm kinh phí hoạt động, nên cũng là một khó khăn. Dẫu vậy, chị tin với đà phát triển hiện nay của thành phố mà thể hiện rõ nhất là xã nghèo Yên Trung, trong nhiệm kỳ mới của Đảng bộ thành phố, đời sống bà con thôn Hương sẽ tiếp tục đi lên.
Trọn niềm tin
Chúng tôi đến huyện Mê Linh vào lúc chỉ còn mấy chục giờ nữa là Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV sẽ diễn ra. Vậy là đã hơn hai năm, Mê Linh về với Thủ đô Hà Nội. Đối với ông Nguyễn Văn Cử, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, hơn hai năm là khoảng thời gian không dài nhưng sự đổi thay trên quê hương thật rõ nét. Phong cách làm việc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể "chính quy" hơn, rõ trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn. Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách được quan tâm, chăm lo. Đợt lũ cuối năm 2008 là một minh chứng. Dù chịu nhiều thiệt hại về hoa màu, công trình, nhà ở, nhưng lòng dân thật ấm áp khi nhận được lời chia sẻ, động viên ân cần và sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền thành phố. Điều này khiến nhân dân thêm tin yêu Đảng, chính quyền hơn, có thêm nghị lực vượt khó.
Vui mừng là phần nhiều, nhưng vẫn còn điều trăn trở. Ông Cử mong muốn, Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ TP Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp. Ngoài việc bầu ra một Ban chấp hành gồm những đồng chí đủ đức, đủ tài, được tín nhiệm cao thì việc đề ra chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, giàu đẹp là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, ông tha thiết kiến nghị với Đại hội có giải pháp hữu hiệu giải quyết những tồn đọng về chế độ, chính sách đối với các quân nhân cũng như quan tâm giải quyết những tồn đọng về đất đai, xử lý những dự án treo bàn giao đất cho người nông dân sản xuất. Đời sống của người dân đã được quan tâm, nhưng không ít xã trên địa bàn huyện chưa có sân chơi; không ít thôn chưa có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt; nhiều con đường vẫn còn gập ghềnh sỏi đá và nhiều hộ vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Vì vậy, cần lắm sự giúp đỡ của thành phố để Mê Linh nói riêng và các huyện ngoại thành nói chung thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Văn Ba cho biết, đến nay 18/18 đảng bộ xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 gắn với phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội. Trong đó, các đảng bộ tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010; quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách; nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ nông thôn và phát huy vai trò lãnh đạo của TCCSĐ. Huyện ủy đã chỉ đạo các đảng bộ tăng cường tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Đại hội đảng bộ TP, nhằm tạo sinh khí chính trị trong toàn Đảng và toàn dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.