Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, kết luận của Thủ tướng cũng có tính nhân văn sâu sắc, hướng đến lợi ích của người dân, thấu tình đạt lý, phân tích rõ ràng những cái sai của cả chính quyền địa phương và người dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng, GS Đặng Hùng Võ đã trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.
GS Đặng Hùng Võ: Tôi rất mừng vì Thủ tướng đã kết luận đầy đủ, cặn kẽ, dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ. |
Là người quan tâm sát sao và có nhiều ý kiến phản biện trong vụ việc tại Tiên Lãng, GS đánh giá như thế nào về kết luận của Thủ tướng?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi rất mừng vì Thủ tướng đã kết luận rất đầy đủ, cặn kẽ dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ, đạo lý thấu tình, không chỉ giải quyết cụ thể vụ việc ở Tiên Lãng mà còn đặt hướng giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Kết luận vừa cụ thể để giải quyết hậu quả ở Tiên Lãng, vừa trên tầm vĩ mô nhìn nhận những bất cập trên phạm vi cả nước.
Kết luận của Thủ tướng đã đưa ra những yếu kém trong quản lý đất đai ở địa phương trong đó có việc nhận thức pháp luật không đúng, dẫn đến thực thi pháp luật không đúng và cách giải quyết cụ thể hậu quả của những sai lầm pháp lý đã để lại. Kết luận không chỉ nói về nguyên tắc mà nói về những công việc khắc phục rất cụ thể như thu hồi lại các quyết định sai đã ban hành, trả lại đất cho người bị thu hồi theo quy định của pháp luật và khởi tố vụ án đối với những hành vi phá hoại tài sản trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất. Đây là một kết luận mang đủ sự mạnh mẽ của pháp lý và tính nhân bản của đạo lý.
Đối với những bất cập hiện hành, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành để giải quyết trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành nghiên cứu để chuẩn bị tốt nhất cho sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp. Đây là một kết luận rất sắc sảo trong hệ thống hành chính, giám sát chặt chẽ việc ban hành quyết định ở địa phương, tránh diễn ra tình trạng sai sót, thậm chí lạm quyền.
Ở vụ việc Tiên Lãng đã cho thấy 3 bất cập lớn nhất về pháp luật đất đai: thời hạn giao đất nông nghiệp cho nông dân chưa phù hợp; cơ chế thu hồi đất chưa hợp lý, dễ dẫn đến sai sót trong thực thi từ nhiều lý do khác nhau; việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai chưa hiệu quả. Thủ tướng cũng nhìn thấy tính phức tạp của hệ thống pháp luật đất đai khi bước đổi mới quá ngắn, làm cho hệ thống văn bản quá lớn, gây khó khăn trong thực thi ở địa phương. Nói như vậy có nghĩa là việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có cách tiếp cận dài hơi, thảo luận cặn kẽ để có kết luận, không để lại những vấn đề chưa thể thống nhất.
Thưa GS, bài học cần rút ra sau vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng là gì?
GS Đặng Hùng Võ: Qua sự việc này, chúng ta đều thấy các cơ quan Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan đã thể hiện trách nhiệm rất cao. Tinh thần dân chủ cũng được đẩy lên một bước, thể hiện qua những đóng góp tích cực, những phản biện sâu sắc của các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, báo chí và dư luận xã hội.
Từ đây, mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với dân tại nhiều địa phương sẽ được cải thiện, người dân sẽ có lòng tin và ý thức thực hiện việc sở hữu đất đai đúng theo pháp luật quy định. Và chính quyền cũng ý thức được việc tạo được sự đồng thuận trong dân.
Tôi cũng tin rằng, sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì Thành phố Hải Phòng sẽ nghiêm túc thực hiện. Và câu chuyện ở Tiên Lãng không chỉ là câu chuyện của riêng Hải Phòng mà còn là bài học đắt giá cho các địa phương khác. Các địa phương cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.