(HNMO) –Trong thời gian gần đây với sự xuất hiện của các phần mềm vận tải thông minh mới của GrabTaxi và Uber đã mang lại lợi ích đáng kể cho người dân, các đơn vị vận tải, giúp họ tiết kiệm cả thời gian và chi phí.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt “Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” – đề án GrabCar thực hiện thí điểm trong hai năm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.
Tuy nhiên hiện có nhiều ý kiến trái chiều về loại hình xe hợp đồng điện tử và Đề án thí điểm Grbpcar. Vậy loại hình mới này có gây rối loạn thị trường và tăng thêm ùn tắc giao thông không?
Hệ lụa gì từ Uber và GrabTaxi?
Theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện nay Uber và Grab tham gia hoạt động vận chuyển hành khách sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào, điều này là trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.
Đó là nguy cơ xuất hiện xe taxi trá hình, tức là xe không được cấp phép kinh doanh vận tải hoặc vận tải bằng taxi; không có biển hiệu taxi, phù hiệu taxi, lắp đồng hồ tính cước, kê khai giá cước, lắp thiết bị giám sát hành trình, ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho người lái xe. Cạnh tranh không lành mạnh bằng chính sách khuyến mại, trợ giá cho chủ xe và lái xe. Dễ bị tội phạm lợi dụng, để thực hiện hành vi phạm tội, xâm hại đến tính mạng của hành khách, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh
Xe hợp đồng cũng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông (gây ùn tắc, phá vỡ quy hoạch), vì không có dấu hiệu nhận diện (biển hiệu, logo); cơ quan quản lý không nắm rõ số lượng xe; lái xe theo dõi màn hình điện thoại để đón khách. Không chịu sự quản lý giá cước (tự ý tăng giá theo thời điểm, khi thời tiết không thuận lợi hoặc thiếu xe), không phù hợp với Luật Giá.
Chất lượng dịch vụ và phương tiện chưa được quản lý, vì lái xe chưa có chế tài kiểm soát về tập huấn nghiệp vụ, niên hạn sử dụng của phương tiện chưa quản lý; Không chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành khách và các hành vi và sai sót của nhà cung cấp dịch vụ vận tải. Quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng vì không phải ai cũng có điện thoại thông minh để tiếp cận dịch vụ này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư của Uber và GrabTaxi ở VN nhỏ (chỉ có chi phí thuê địa điểm, tiền lương cho một số ít nhân viên, chi phí khuyến mại); Tiền bị chuyển ra nước ngoài do thanh toán bằng thẻ quốc tế nên tiền sẽ bị chuyển ra nước ngoài (do Uber là công ty thành lập ở Hà Lan).
Uber và GrabTaxi cũng được cho là gây rối loạn thị trường vì ngoài việc giành giật thị phần của các hãng taxi truyền thống, chính sách về giá cước hay mức phí thu từ lái xe không đoán định được. Nguy cơ về “cuộc chiến” phần mềm sẽ xảy ra vì nhiều phần mềm sẽ học tập Uber và GrabTaxi để tham gia vào thị trường kinh doanh xe taxi, báo trước một cuộc cạnh tranh giằng co về lái xe và khách hàng giữa các công ty kiểu Grab/Uber.
Uber và GrabTaxi cũng có thể gây ra hệ quả xã hội là phá sản và thất nghiệp nhờ lợi thế không tuân thủ pháp luật, các loại hình này phát triển mạnh, làm cho các hãng taxi phá sản và lái xe thất nghiệp. Các hãng gây ùn tắc giao thông doo chưa được quản lý, nên nhiều cá nhân sẽ tự phát mua xe rồi thuê người lái để hành nghề taxi, do vậy, sẽ gây tắc đường.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về hoạt động của taxi Uber, Grab; đồng thời tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào của taxi Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian chờ ban hành văn bản pháp luật quy định, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi.
Thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố. |
Kết nối vận chuyển thông minh, không gây thêm ùn tắc giao thông
Thực tế, phía Công ty GrabTaxi cho biết trong lĩnh vực vận tải bằng ô tô hiện nay, công ty chỉ là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin giúp kết nối khách hàng và đơn vị vận tải. GrabTaxi cung cấp cho nhiều nhà vận tải khác nhau. Khi cung cấp dịch vụ cho các hãng taxi (tên dịch vụ kết nối là “GrabTaxi”) nên hiệu quả lớn. Các hãng taxi đối tác, người lái xe và khách hàng hài lòng khi sử dụng. Theo đó, chỉ khi cung cấp dịch vụ cho xe hợp đồng (“GrabCar”), thì ngành taxi mới nên phản đối.
Mặt khác, xe tham gia “Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” được phê duyệt trong Công văn số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Thủ tướng CP là những loại xe hợp đồng, dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo đúng quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 63. Xe taxi khác với xe hợp đồng ở cơ chế thiết lập giao dịch với hành khách.
Hiện việc khuyến mại được thực hiện theo quy định hiện hành (Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP). Trước khi thực hiện khuyến mại, công ty phải gửi đơn lên đăng ký với Sở Công thương hoặc Bộ Công thương. Gap Taxi cho rằng việc hỗ trợ cho lái xe của hãng không phải là khuyến mại, mà là quan hệ hợp tác kinh doanh thông thường.
Loại hình GrabCar cũng khó gây ra mất trật tự an ninh vì các xe tham gia Đề án thí điểm là phương tiện đã được cấp phép để kinh doanh xe hợp đồng theo pháp luật. Ngoài ra, công ty GrabTaxi yêu cầu các lái xe nộp lý lịch tư pháp trước khi cung cấp dịch vụ kết nối. Cắt ngay dịch vụ kết nối, nếu lái xe bị tố cáo là gây mất an toàn cho hành khách
Đáng chú ý, so với hình thức gọi xe qua tổng đài, hình thức đặt xe qua nền tảng kết nối điện tử sẽ làm giảm tai nạn giao thông, lái xe không phải chịu áp lực phải chạy nhanh để đón khách, vì chỉ có một người được nhận cuốc xe.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia phân tích, một trong những nguyên nhân khiến cho giá cước taxi ở Việt Nam đang ở mức cao hơn hầu hết các nước trong khu vực là do công nghệ quản lý lạc hậu. Một hành khách có nhu cầu đi xe nhưng có tới cả chục xe đến đón, tức là có tới 9 xe chạy "rỗng" trên đường. Thế nhưng, hành khách lại phải "gánh" cả phần chi phí chạy "rỗng" ấy. Do đó, việc Uber, Grap phát triển cũng như các hãng taxi truyền thống chấp nhận đầu tư phần mềm gọi xe cần được khuyến khích. Thông qua các phần mềm này, mỗi khách chỉ có một xe gần nhất đến đón tức là chi phí hoạt động của DN sẽ giảm, lại giúp Nhà nước và DN quản lý tốt hơn. Trong khi đó, hạ tầng đô thị sẽ không phải chịu cảnh xe chạy lòng vòng đón khách gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong buổi họp báo gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (người phát ngôn của Chính phủ) cũng đã cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đầu tư, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà); đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm.
“Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận cá nhân, đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng sử dụng các phần mềm ứng dụng để hoạt động kinh doanh. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại 5 địa phương nêu trên” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nêu rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.