Theo dõi Báo Hànộimới trên

GPMB công trình cầu vượt An Khánh (Hoài Đức): Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Thiện Mỹ| 08/01/2010 07:23

(HNM) - Dự án hoàn thiện và mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, đoạn qua địa bàn xã An Khánh (Hoài Đức) vẫn dang dở bởi công trình cầu vượt hiện chưa thi công được do

Công trình cầu vượt nối từ xã An Khánh đến xã Lại Yên (Hoài Đức) là hạng mục công trình thuộc dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Để thực hiện dự án này, năm 2004, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định 386/2004/QĐ-UB, tạm thu hồi 386,988ha đất thuộc địa bàn 3 huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất giao cho Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện. Cuối năm 2004, Ban GPMB huyện Hoài Đức đã tiến hành kiểm đếm đất, tài sản của các hộ thuộc diện bị thu hồi và việc GPMB đã được thực hiện ở một số khu vực; tuy nhiên, việc GPMB ở thôn An Thọ và Phú Vinh đã bị "mắc" do 13 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng (trong đó có 11 hộ không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ).


Nguồn gốc đất của 13 hộ gia đình nói trên là đất thùng đào, hố đấu ở ven đường trục huyện (đường 423), do UBND xã An Khánh cho thuê trái thẩm quyền từ năm 1987-1989 để sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ (ảnh), mỗi hộ được giao 24m2. Thời điểm giao đất, các thửa đất không được cắm mốc cụ thể nên hầu hết các hộ đều lấn về phía sau. Ngày 27-6-2008, UBND tỉnh Hà Tây ra Quyết định 1835/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB mà theo đó, các hộ dân chỉ được hỗ trợ đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp vị trí 2 là 64.800 đồng/m2, khiến nhiều người phản đối vì mức giá thấp và không còn nơi sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều hộ không còn chỗ ở...

Trước thực tế này, ngày 27-8-2009, UBND huyện Hoài Đức có văn bản số 1063/UBND-GPMB, gửi UBND thành phố Hà Nội và các ban ngành hữu quan xin được áp dụng bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ theo giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp quy định tại Quyết định 62/QĐ-UBND ngày 31-12-2008 của UBND thành phố Hà Nội. Để phù hợp với đề nghị trên, UBND xã đã xác định lại nguồn gốc đất của 25 hộ gia đình là đất "dịch vụ sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp". Khi nguồn gốc đất được xác định lại, giá bồi thường, hỗ trợ cũng thay đổi theo và dự toán kinh phí bồi thường đã được cấp có thẩm quyền điều chỉnh, ở mức bồi thường 2.600.000 đồng/m2. Song, việc GPMB vẫn gặp trở ngại bởi một số hộ dân tiếp tục đề nghị được cấp đất tái định cư.

Qua xác minh, xem xét quá trình sử dụng đất, Ban GPMB huyện Hoài Đức xác định phần diện tích (24m2) các hộ được giao từ năm 1987-1989 đã cơ bản bị giải tỏa hết từ khi đường 423 được mở rộng vào những năm trước đây, phần lớn diện tích các hộ dân hiện đang sử dụng là do họ lấn chiếm về phía sau; mặt khác, các hộ dân cũng không cung cấp được bất cứ giấy tờ gì chứng minh đây là đất thổ cư nên việc đề nghị được bồi thường và cấp đất tái định cư là không có cơ sở để xem xét. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong số 25 hộ được xã cho thuê đất có 3 hộ ở thôn Phú Vinh (Hoàng Trung Thực, Bùi Quang Long, Nguyễn Đức Huỳnh) sau khi thu hồi vẫn còn 30m2 nhưng vẫn được cấp đất tái định cư. Giải thích điều này, ông Trần Văn Nghiêm, cán bộ địa chính xã An Khánh cho biết: 3 hộ này đã nộp tiền sử dụng đất với thôn để hợp thức hóa thành đất ở từ năm 2000 (biên lai do HTX Phú Vinh thu 8 triệu đồng/hộ) nên theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì diện tích đất của các hộ này phải được xác định là đất ở. Bên cạnh đó, trong số 25 hộ bị thu hồi có 2 hộ đã bị thu hồi hết đất, không còn chỗ ở nên UBND xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét, giao đất ở có thu tiền sử dụng đất đối với 2 hộ này... Cách giải thích này lại càng gây nên sự khó hiểu ở chỗ, tại sao chỉ có 3 hộ dân được thôn thu tiền để hợp thức hóa thành đất ở trong khi thôn không có thẩm quyền thực hiện việc này khiến cơ chế hỗ trợ, bồi thường "vênh" giữa các hộ gia đình?

Do đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phải khẩn trương thực hiện việc GPMB để bảo đảm tiến độ công trình, song việc này hiện vẫn đang tiếp tục "mắc" bởi chưa hoàn thiện về mặt hồ sơ, văn bản. Trước đây, UBND tỉnh Hà Tây chỉ có Quyết định tạm thu hồi đất số 386/2004/QĐ-UBND và Quyết định thu hồi đất chính thức số 3264/QĐ-UBND ngày 31-7-2008, mà chưa có cấp thẩm quyền nào ra quyết định thu hồi đối với từng hộ nên theo quy định của pháp luật thì chưa thể hoàn thiện hồ sơ thực hiện việc cưỡng chế... Hiện UBND huyện Hoài Đức đang xin ý kiến của Ban chỉ đạo GPMB thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Để thực hiện yêu cầu của UBND thành phố về tiến độ công trình, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức sớm hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm việc GPMB thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan đến cơ chế hỗ trợ, bồi thường để bảo đảm sự công bằng. Các hộ dân cũng cần tuân theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, vì lợi ích chung của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GPMB công trình cầu vượt An Khánh (Hoài Đức): Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.