Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý Luật Dầu khí (sửa đổi) để hỗ trợ ngành dầu khí phát triển

Thu Hằng| 20/12/2021 17:14

(HNMO) - Ngày 20-12 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và 2008), đã hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 10 chương và 69 điều. Có 6 nhóm nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán; quy định cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động dầu khí; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về các hoạt động dầu khí, tạo sự minh bạch rõ ràng trong các quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí; kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động dầu khí; bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết. 

Kết luận hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cảm ơn những góp ý, đánh giá xác đáng, thiết thực và khách quan của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ tập hợp gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Đảng, Chính phủ theo thẩm quyền. Ông nhấn mạnh những ý kiến đóng góp này góp phần hoàn thiện khung pháp lý nền tảng của hoạt động dầu khí để sau khi ban hành, Luật Dầu khí sửa đổi có thể đi vào đời sống kinh tế - xã hội một cách hữu ích và hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Luật Dầu khí (sửa đổi) để hỗ trợ ngành dầu khí phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.