Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Phát huy đồng bộ các nguồn lực phát triển đất nước Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu vấn đề tạo lập và phát huy các nguồn lực của sự phát triển đất nước, đây được xem như là các yếu tố nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng con người.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Phát huy đồng bộ các nguồn lực phát triển đất nước
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu vấn đề tạo lập và phát huy các nguồn lực của sự phát triển đất nước, đây được xem như là các yếu tố nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng con người. Hệ thống các động lực của sự phát triển đã được nêu ra và sắp xếp theo thứ tự: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ XHCN; kết hợp hài hòa lợi ích, thực hiện công bằng xã hội; phong trào thi đua yêu nước; phát triển văn hóa; xây dựng con người... Việc quan tâm tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển đã được nêu ra trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và trong Dự thảo văn kiện Đại hội XI cũng đã được đề cập, tuy vậy chưa nhấn mạnh và làm rõ những nội dung, tính chất mới của các động lực, chưa thể hiện rõ mối liên hệ, tác động qua lại giữa các động lực, chưa xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận trong hệ thống chính trị và chưa nêu rõ tổ chức nào chủ trì phối hợp việc phát huy các động lực của sự phát triển trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Việc tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển là công sức của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Để giúp Đảng tiếp tục lãnh đạo việc tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển, cần có một tổ chức đứng ra chủ trì, phối hợp thực hiện.
GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học giáo dục UBTƯ MTTQ Việt Nam: Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém
Nhân dân ta luôn tin yêu Đảng và công nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Vì vậy nhân dân mong muốn Đảng phải luôn có những quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân, từng đảng viên phải gương mẫu đúng như tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Báo cáo chính trị đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, đó là công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể nhằm phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt Đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Nhìn nhận như vậy là Đảng đã thực sự làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ: "Nước ta là một nước dân chủ. Mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm".
Đại hội Đảng là cơ hội để xem xét trách nhiệm và tìm biện pháp khắc phục yếu kém về các mặt kinh tế - xã hội như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu lên. Vấn đề đặt ra cho Đại hội XI là cần có biện pháp khắc phục nhanh chóng và có hiệu quả những tồn tại nói trên thì mới có thể có những bước bứt phá đưa toàn đất nước sớm đạt đến mục tiêu cao cả "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.