Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý kiến vào văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

Lê Hương ghi| 12/10/2010 06:31

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư: 5 góp ý cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 Thứ nhất, khác với hai bản chiến lược trước đây, phần đánh giá tình hình trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nêu rất vắn tắt, chỉ nhắc đến các tiêu đề của những mặt được, chưa được và nguyên nhân.


Thứ nhất, khác với hai bản chiến lược trước đây, phần đánh giá tình hình trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nêu rất vắn tắt, chỉ nhắc đến các tiêu đề của những mặt được, chưa được và nguyên nhân. Nhưng qua đó cũng thấy sự dàn trải nhiều khía cạnh của các lĩnh vực, chưa thật tập trung vào những nhận định tổng quát, làm nổi các vấn đề quan trọng, đặc biệt là những mặt yếu kém. Ví dụ, tình trạng tăng trưởng kém chất lượng, dựa chủ yếu vào các yếu tố chiều rộng đã được nhận biết từ Đại hội VIII năm 1996, nay được nêu lại trong Chiến lược này nhưng chưa phân tích vì sao trải qua 15 năm chưa có gì tiến bộ đáng kể, thậm chí có mặt còn giảm sút hơn.

Thứ hai, về quan điểm phát triển, theo tôi 5 quan điểm nêu trong dự thảo là đúng và phù hợp, đề nghị bổ sung, chỉnh, sửa thêm một số khía cạnh. Quan điểm phát triển bền vững, trong Chiến lược mới chỉ trình bày 3 yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường. Tôi đề nghị, cần nêu thêm 3 yếu tố nữa: văn hóa, phát huy dân chủ, phát triển con người. Quan điểm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất…, đề nghị nhấn mạnh thêm yêu cầu thu hẹp khoảng cách, dần dần đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế và công nghệ so với các nước trong khu vực nhằm cổ vũ và phát huy tinh thần dân tộc trong hội nhập và đua tranh quốc tế.

Thứ ba, về mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược. Mục tiêu tổng quát đặt ra đến năm 2020, tôi kiến nghị nên chọn mục tiêu “trở thành nước có trình độ phát triển trung bình trên thế giới”, không cần nói “trở thành nước công nghiệp”.

Thứ tư, về định hướng phát triển. Đây là phần dài nhất của Chiến lược. Tuy nhiên hầu hết nội dung nêu lên tầm quan trọng, nói cần làm gì nhưng ít đề cập vấn đề làm như thế nào. Làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng, giá trị nội địa, tăng sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp, giảm mạnh việc xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô? Làm thế nào xây dựng quan hệ liên kết bền vững giữa nông dân với hợp tác xã, DN, cơ sở khoa học qua các khâu chế biến, dự trữ, tiêu thụ nông sản… điều đó mới quan trọng.

Thứ năm là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ:Cần nói rõ thế nào là chế độ công hữu, thế nào là tư liệu sản xuất chủ yếu

Có 3 ý kiến về tiêu đề của Cương lĩnh, tôi tán thành với ý kiến thứ hai: “Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Nói “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” vừa hợp với quy luật khách quan, vừa không bó tay chúng ta trong các chủ trương, chính sách, lại chủ động về thời gian. Ta CNH, HĐH để xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đâu phải chỉ là việc của thời kỳ quá độ mà là việc lâu dài của xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, dự thảo ghi “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” có nhiều ý kiến bàn luận. Theo tôi, nói “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” có 2 điều chưa rõ: thế nào là chế độ công hữu?; thế nào là tư liệu sản xuất chủ yếu? Chế độ công hữu khác với chế độ tư hữu. Chế độ công hữu chỉ lâu nay được hiểu bao gồm hai loại sở hữu: sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể (hay sở hữu hợp tác xã); vậy còn sở hữu hỗn hợp (cả nhà nước, tập thể và tư nhân) là loại sở hữu đã đạt trình độ xã hội hóa cao có được coi là công hữu không? Tư liệu sản xuất chủ yếu là gì? Trước kia ta nói, đó là tài nguyên thiên nhiên, là rừng, núi, sông ngòi, biển cả, là các DN sản xuất và dịch vụ, là hầm mỏ, đồn điền, xí nghiệp… Nay và sau này, trong điều kiện kinh tế tri thức, con người luôn là lực lượng sản xuất quan trọng nhất, sở hữu trí tuệ là sở hữu đặc trưng nhất của con người, vậy sở hữu đó là công hữu hay tư hữu? Trong tư liệu sản xuất chủ yếu, với kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân hiện nay và về sau chắc sẽ còn nắm một phần quan trọng, vậy nói “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” có hợp lý không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý kiến vào văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.