Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 20/11/2020 15:31

(HNMO) - Chiều 20-11, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố.

Đại biểu dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng theo dõi, hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy khóa XVI, Chủ tịch HĐND thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại biểu các sở, ban, ngành, một số quận, phường trên địa bàn thành phố.   

Đại biểu trung ương có các đồng chí: Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị định; đại biểu một số bộ, ban, ngành trung ương. 

Để thực hiện không còn vướng mắc

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là đòi hỏi cần thiết và hết sức cấp bách vì liên quan đến việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu bám sát nội dung dự thảo để góp ý kỹ từng nội dung, nhất là những vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng Nghị định quy định rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tổ chức thực hiện không bị vướng mắc.

Đồng chí Vương Đình Huệ lưu ý các đại biểu thành phố Hà Nội đồng thời phải liên hệ các nội dung dự thảo Nghị định với những quy định của thành phố triển khai thực hiện Nghị định ban hành sau đó, nhất là làm rõ những vướng mắc, những vấn đề còn khác nhau; trong đó phải đặc biệt coi trọng thực tiễn từ cơ sở, ý kiến từ cơ sở, tuyệt đối không được bỏ qua ý kiến của cơ sở; vì nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không thì chủ yếu là nhờ thực hiện ở cấp này.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, dự thảo Nghị định thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội gồm 6 chương, 33 điều; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Nêu cụ thể từng chương của dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo nêu 2 nhóm vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến: “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không”; có quy định là “Không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện hay không”; số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường là bao nhiêu thì phù hợp.

Từ góc độ cơ quan tham gia xây dựng Nghị quyết 97/2019/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vấn đề “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không” thì đã được bàn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo và đã rõ trong Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội là Trưởng Công an phường không thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường, mà thuộc UBND quận.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần rà soát kỹ lại các nội dung dự thảo Nghị định theo nguyên tắc nội dung nào đã có trong Nghị quyết 97/2019/QH14 và các quy định pháp luật hiện hành thì không lặp lại nữa; đồng thời xác định rõ quy định nào phân cấp cho thành phố, quận, phường thì không nên quy định cụ thể trong Nghị định, để dành cho thành phố quy định. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của UBND phường theo mô hình thí điểm khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, do đó, quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phường cũng khác và nên được làm rõ trong dự thảo Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn Thông tin về dự thảo Nghị định tại hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, trên cơ sở đó tính toán các điều kiện chuyển tiếp hợp lý, hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm.

Lãnh đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân và một số phường trực thuộc cũng đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị, biên chế công chức phường nên là 16 người thay vì 15 người như dự thảo Nghị định. Đại diện phường Điện Biên (quận Ba Đình) cho biết, toàn phường hiện có 23 công chức, nhưng công việc vẫn đang quá tải. Đại biểu các quận, phường của thành phố cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ dôi dư khi thực hiện thí điểm.

Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chủ động triển khai, không ngồi chờ

Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã nêu rõ những điểm mới của chính quyền đô thị tại Hà Nội và cũng chính là tính ưu việt của mô hình. Đó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn; UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng và cán bộ tư pháp - hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường để giúp việc cải cách hành chính, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng theo dõi, hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI cho rằng, các cơ quan thành phố cần bám sát kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo Nghị định của Chính phủ để chủ động cụ thể hóa, sớm triển khai, gắn với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị dự thảo Nghị định cần được rà soát, hoàn thiện thật kỹ nội dung, nhất là những vấn đề phức tạp, những nội dung mang tính đặc thù.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao và cảm ơn những ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị, qua đó giúp thành phố nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố sắp tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan thành phố tiếp tục bám sát và quán triệt sâu sắc Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai một cách chủ động, đồng thời với quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; không ngồi chờ. Thời gian từ nay đến thời điểm ban hành Nghị định không còn nhiều, vì vậy, các cơ quan thuộc thành phố phải phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo để sớm “chốt” các vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị một bản góp ý chính thức vào dự thảo Nghị định của Chính phủ; Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị văn bản để Thành ủy báo cáo Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội cấp phường.

Đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội; trong đó, cần quy định cụ thể, rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường. Nếu không cơ cấu Trưởng Công an phường tham gia UBND phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác với UBND phường cũng như quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...

Nội dung 6 chương dự thảo Nghị định

Chương I gồm 5 điều “Quy định chung”;

Chương II gồm 13 điều về “Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường”;

Chương III gồm 5 điều quy định “Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường”;

Chương IV gồm 3 điều quy định về “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác”;

Chương V gồm 3 điều quy định về “Công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách phường”;

Chương VI gồm 4 điều về “Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.