Sáng 1/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tham dự Hội thảo.
Đây là hội thảo thứ 2 được Ban Chỉ đạo tổ chức cho lãnh đạo, đại biểu các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, sau hội thảo ngày 31/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các ý kiến tại Hội thảo, qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, chúng ta đã thực hiện đổi mới căn bản và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, từng bước đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, trong sự vận hành của Nhà nước pháp quyền, tinh thần và nội dung của nguyên tắc pháp quyền của Hiến pháp năm 1992 chưa được thể hiện đồng bộ trong các chế định khác của Hiến pháp, nhất là trong các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và quyền công dân.
Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo, khó tiếp cận, nhiều quy định vẫn chưa đi vào đời sống…
Do đó, mục tiêu lớn của việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là nhằm đánh giá toàn diện hoạt động cụ thể hoá, tổ chức thi hành các quy định của Hiến pháp, trước hết đối với những quy định trực tiếp về Chính phủ và các quy định khác có liên quan đến thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, kết hợp đánh giá các quy định có liên quan đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Từ việc đánh giá hoạt động cụ thể hóa, thực tế thi hành các quy định của Hiến pháp, phát hiện đầy đủ các vướng mắc, bất cập trong các quy định của Hiến pháp cũng như các quy định của pháp luật. Đối với các vướng mắc, bất cập trong các quy định trực tiếp hoặc có liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, có sự xem xét cụ thể, chi tiết. Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã thẳng thắn góp ý những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn để có những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu cho Báo cáo của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.