Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý cho trúng !

Tuấn Kiệt| 12/05/2012 06:31

(HNM) - Sau khi Hà Nội đưa vào sử dụng hai cầu vượt nhẹ lắp ghép tại nút Láng Hạ và Tây Sơn, giao thông tại đây được cải thiện đáng kể. Nhiều ý kiến rất ủng hộ giải pháp này.


Cũng trong lúc này, người ta đang bàn tán khá nhiều xung quanh ý tưởng 5x5 của ông Mai Trọng Tuấn nhằm giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó không lâu, dư luận cũng được một phen nóng bỏng sau lời bình luận của ca sĩ Mỹ Linh liên quan đến đề xuất thu các loại phí giao thông của Bộ GTVT. Với cả hai luồng ý kiến này, kẻ khen không ít và người chê cũng nhiều. Nhưng ở đây xin không bàn đến ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Mà chỉ nhìn nhận từ một góc nhỏ về việc góp ý kiến phản biện trong các vấn đề quản lý, phát triển xã hội.

Thực ra, ý kiến phản biện nào cũng cần thiết và nó là chuyện bình thường, là trách nhiệm của bất cứ một công dân nào với các chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi của họ và của đất nước. Mỗi công dân, dù là người bình thường, là một chuyên gia hay người nổi tiếng nào cũng có thể đưa ra quan điểm của mình, cách nhìn của mình về vấn đề họ quan tâm. Tất cả ý kiến đó đều đáng trân trọng. Song, phải góp ý sao cho trúng, để chính sách được thực thi hiệu quả.

Còn nhớ, khi có thông tin về việc Hà Nội sẽ xây dựng các đường trên cao, nhiều phát ngôn trên báo chí đã lập tức phê phán cho rằng chính quyền Hà Nội đã không có tầm nhìn lâu dài dẫn đến chồng lấn quy hoạch, sẽ lãng phí khi những cây cầu vượt được xây dựng trước đó ở Ngã Tư Sở và ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng buộc phải phá dỡ. Khi ấy, nhiều người đã trách rằng, sao Hà Nội không sớm tính đến giải pháp xây dựng cầu vượt lắp ghép nhẹ.

Thế rồi, những cây cầu lắp ghép nhẹ cũng đã được xây dựng. Nhưng oái oăm thay, lúc này lại xuất hiện những quan điểm chỉ trích cho rằng, giải pháp này "đi ngược lại sự phát triển", thể hiện sự lúng túng của chính quyền… Ngay cả một tiến sĩ từng giữ vai trò là nhà quản lý lĩnh vực này của Hà Nội cũng nhận định giải pháp này "bộc lộ tồn tại rất rõ", rằng "đừng có tư duy nhiệm kỳ, vì tầm nhìn trước mắt mà phá vỡ cảnh quan để thế hệ sau phải gánh chịu". Một số người thì đòi hỏi Hà Nội phải tập trung vào những giải pháp như nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm đường sá, thực hiện giãn dân, di chuyển các trường đại học, cao đẳng ra ngoại ô…

Dĩ nhiên, không phải nhà chức trách hay những người hoạch định dự án không nhìn thấy những bất tiện nói trên và cũng không phải là chưa có kế hoạch thực hiện. Vấn đề ở chỗ cái nào cần giải quyết trước, cái nào có thể để sau. Cơ quan quản lý thay vì sự áp đặt mang tính chủ quan cũng cần biết lắng nghe những phản biện từ dư luận, người dân về các chính sách của mình. Ngược lại, người dân phát huy quyền làm chủ thực sự của mình trong việc tham gia đóng góp vào các chủ trương, chính sách nhưng phải phù hợp quy định của pháp luật và hiệu quả. Không nên cố tình áp đặt những cách nhìn nhận phiến diện, chủ quan, góp ý theo kiểu nhăm nhăm tìm những khiếm khuyết để bình phẩm sẽ thật khó đạt được hiệu quả và chỉ làm cho vấn đề thêm rối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý cho trúng !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.