(HNM) - Từ lâu vấn đề nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) luôn là nỗi bức xúc không chỉ của người dân Hà Nội mà với cả du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ được loại bỏ trong tương lai gần khi UBND TP Hà Nội cùng với nhà tài trợ cũng như các đơn vị liên quan đang xúc tiến khảo sát, xây dựng thêm 1.000
Dự án mẫu thí điểm đầu tiên nhà vệ sinh công cộng trên đường Trần Nhân Tông. Ảnh: Thái Hiền |
Trông người mà ngẫm đến ta
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt hay chia sẻ ấn tượng về mỗi nơi ông từng đặt chân đến. Ông kể: "Lần đầu đi xuyên Lào khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Cứ tưởng nước họ nghèo hơn mình nên lạc hậu. Nào ngờ, nhiều khoản họ "ăn đứt" Việt Nam, nhất là nhà vệ sinh. Chỗ nào cũng tươm tất, có nơi chưa thực sự đẹp nhưng rất sạch sẽ. Vì vậy, du khách chẳng sợ nạn “khủng bố tinh thần” vì thiếu chỗ "giải quyết đầu ra" như ở Việt Nam". Ông Mỹ lấy ví dụ, nhà vệ sinh ở các nhà hàng thường được bố trí ở ngoài vườn, dưới bóng cây cổ thụ. Chủ nhà hàng đặt những chiếc ghế bành nhỏ để khách ngồi hóng mát và đọc báo sau khi đi vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh mát rượi bởi được gắn máy lạnh, phảng phất mùi trầm như ở khách sạn 5 sao, trên mỗi bồn cầu đều có lọ hoa nhỏ...
Còn nhà vệ sinh ở Nhật Bản thì khỏi phải nói về mức độ sạch sẽ và hiện đại. Đa số có hệ thống máy lạnh để sử dụng vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông, nước nóng điều chỉnh tự động, hệ thống xịt rửa và sấy khô, âm thanh và nhạc, ghế giữ em bé, bàn thay tã lót, tay chống hỗ trợ người già yếu, ổ cắm điện, bàn hoặc móc treo túi xách… Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất trên thế giới có Hiệp hội Các nhà vệ sinh (JTA - Japan Toilet Association). Chính phủ nước này còn tổ chức cả cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh quốc gia và trao giải, vinh danh 28 công trình nhà vệ sinh thể hiện sự sáng tạo.
Ở nước ta thì khác, khi nhắc đến NVSCC, chắc hẳn nhiều du khách không khỏi "sốc" . Đa phần nhà vệ sinh cũ kỹ, xuống cấp, không sạch sẽ, thậm chí bốc mùi. Cửa phòng vệ sinh ở nhiều nơi bị hỏng, không có giấy vệ sinh, nước. Không những bẩn, NVSCC còn vô cùng thiếu. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có 340 NVSCC, trong đó có 236 nhà vệ sinh được xây cố định trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh di động bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt.
Sẽ có một cái nhìn khác
Để giải quyết vấn đề NVSCC, ngày 8-8-2016, UBND TP Hà Nội ra thông báo truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo thành phố đồng ý với đề xuất của một doanh nghiệp về việc tài trợ 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc cho thành phố. Đổi lại, để thu hồi vốn, doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép trên các cầu vượt trong vòng 10 năm. Sau một thời gian triển khai, dự án đã hoàn thành mẫu thí điểm đầu tiên trên đường Trần Nhân Tông, đoạn gần cổng Công viên Thống Nhất.
Ông Hà Huy Kiên, Giám đốc dự án của đơn vị tài trợ cho biết, kinh phí để xây dựng một NVSCC vào khoảng 200 triệu đồng. Khu NVSCC này gồm 2 phòng, 1 dành cho nam và 1 cho nữ. Các phòng đều có tay vịn nhằm phục vụ người khuyết tật. Thiết bị bên trong nhà vệ sinh hiện đại nhất hiện nay, từ vòi nước đến đèn chiếu sáng đều là thiết bị cảm ứng giúp tiết kiệm điện, nước. Nhà vệ sinh xây bằng hệ thống khung thép chịu lực, hạn chế được sự bào mòn do thời tiết. Trần làm bằng nhôm, giúp nhà vệ sinh không bị ám mùi, thoáng khí. Bên cạnh đó, lợi ích lớn nhất của nhà vệ sinh kiểu này là tiết kiệm diện tích đất và không gây ảnh hưởng đến hệ thống ngầm. Dự kiến, sau khi được UBND thành phố chấp thuận, từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, 200 NVSCC như trên sẽ được lắp đặt. Trong 1 năm, nhà tài trợ sẽ lắp đặt toàn bộ 1.000 NVSCC mới. Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư đang khảo sát địa điểm đặt NVSCC, phê duyệt thiết kế ở từng điểm cụ thể với mục tiêu bảo đảm công năng của từng nhà vệ sinh.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc lắp đặt 1.000 NVSCC tại Hà Nội, trong đó có quận Hoàn Kiếm, là ý tưởng tốt vì hệ thống NVSCC cũ trên địa bàn quận đã xuống cấp, và những hoạt động liên quan đến khu phố đi bộ đang thu hút rất đông khách du lịch, phát sinh thêm nhu cầu về NVSCC. Tuy nhiên, do địa bàn Hà Nội khá chật hẹp nên việc lựa chọn địa điểm lắp đặt cần phải được cân nhắc kỹ, khoảng cách giữa các NVSCC phải phù hợp để phục vụ du khách. Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng, đây là một dự án khả thi bởi nó sẽ giúp giải tỏa nỗi bức xúc của du khách khi đến Hà Nội. Tuy nhiên, cần lắp đặt NVSCC ở vị trí phù hợp để không phá vỡ cảnh quan.
"Cùng với việc cải thiện hệ thống NVSCC, ban quản lý tại các điểm du lịch cũng phải có trách nhiệm đầu tư cải tạo nhà vệ sinh đạt chuẩn nhằm làm thay đổi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Gần đây, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ với trang thiết bị hiện đại, đồng thời bỏ hẳn việc thu phí vệ sinh, được khách du lịch đánh giá rất cao", ông Nguyễn Hồng Nguyên, Trưởng phòng Marketing Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.