Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần hình thành con người mới của thời kỳ đổi mới

Thi Thi| 09/04/2016 08:00

(HNM) - Sáng 8-4, tại Hà Nội, nhiều nhà lý luận phê bình văn học, nhà nghiên cứu, nhà văn đã tham dự tọa đàm


Trong nhiều thành tựu to lớn của văn học thời kỳ đổi mới trong đó có một đóng góp quan trọng là đã góp phần bồi dưỡng nhân cách, hình thành lớp người mới của thời đại đổi mới và hội nhập.

Văn học thời kỳ đổi mới là một đề tài lớn, từng được Viện Văn học nghiên cứu, nhiều đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm. Tuy thế, sự kiện Báo Văn nghệ tập hợp các nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu trong một hội nghị bàn tròn về chủ đề này vẫn có ý nghĩa riêng.

Có hai yếu tố quan trọng góp phần tạo nên diện mạo văn nghệ ở thời kỳ đổi mới. Đó là sự thôi thúc của cuộc sống và những nỗ lực bứt phá mang ý nghĩa dấn thân của lớp nhà văn gắn liền với cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Nói như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì lực lượng tiến hành đổi mới văn học trước hết chính là những nhà văn đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Họ, thông qua tác phẩm của mình, đã cho con người thời đổi mới cơ hội nhận diện về bản thân và cộng đồng từ nhiều chiều cạnh, thúc đẩy khát vọng dấn thân đương đầu với thử thách mới. Trong kháng chiến, nhiệm vụ ưu tiên số một là cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng. Khi bước vào thời bình, vấn đề trọng tâm là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là hình mẫu con người với những phẩm chất phù hợp với thời đại. Văn học, như đã thấy, đã có sự chuyển đổi về trọng tâm phản ánh, phù hợp với xã hội hiện đại trong thời kỳ hội nhập.

Nhà văn Chu Lai có mặt ở hội thảo, gợi nhắc đến hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong thời kỳ đầu đổi mới. Đó là "Phố" (chuyển thể thành phim truyền hình "Người Hà Nội") và "Ăn mày dĩ vãng" - những tác phẩm phản ánh vấn đề của con người thời hậu chiến một cách sâu sắc mà không kém phần dữ dội. Cảm nhận đó xuất hiện trong bối cảnh cần nhận diện, đánh giá sự vận động của văn học trong 30 năm qua, về ý nghĩa của văn học đối với sự hình thành con người mới, giúp chúng ta nhận rõ những điều căn cốt đối với nhà văn và nền văn học đương đại trước yêu cầu tiếp tục đổi mới. Đó là phải thực sự có mặt ở trung tâm cuộc sống để hiểu con người hiện đại, nhân vật hiện đại, những gì cần cổ vũ, bồi đắp, dựng xây để hình thành mô hình con người mới của thời kỳ tiếp tục đổi mới.

Nói về điều này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: Các nhà tiểu thuyết của ta vẫn còn lạc hậu so với cuộc sống, còn đứng xa trung tâm cuộc sống. Nhân vật chính trong tấm kịch thời đại là ai, văn học vẫn chưa trả lời được. Có những mẫu người thật đặc biệt nhưng văn học còn chờn vờn ở xa, chưa chạm tới được.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa nêu rõ: Văn học trong mười năm trở lại đây thể hiện rõ tính "thị trường". Văn học gắn với các đề tài thời sự thì nhiều, nhưng thiếu những tác phẩm thực sự có chiều sâu, đủ để ở lại với thời gian, có độ vang vọng lâu dài trong đời sống.

Có thể nói, trong mọi thời kỳ, văn học góp phần bồi dưỡng nhân cách con người. Tuy vậy, trong thời kỳ đổi mới đã qua cũng như trong giai đoạn sắp tới, văn học có vai trò đặc biệt hơn bởi đây là khoảng thời gian có sự biến động về hệ giá trị con người. Trong bối cảnh đó, như giới nghiên cứu văn học khẳng định khi nói về lực lượng sáng tác, đổi mới là yêu cầu nhưng cũng là nhu cầu tự thân của nhà văn. Hiện nay, có những nhà văn cao tuổi nhưng tư tưởng, cách viết thể hiện sự đổi mới rất rõ. Nhưng cũng có tác giả trẻ tuổi viết theo lối cũ, như là sự phản chiếu của thế hệ đi trước. Bởi thế, vấn đề đặt ra là để văn học tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhà văn không chỉ cần dấn thân trên các mặt trận của đời sống mà còn phải tự mình đổi mới cách nghĩ, cách viết.

Những ý kiến về văn học thời kỳ đổi mới sẽ còn được đưa ra tại Hội nghị Lý luận phê bình do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong thời gian tới. Tất cả đều không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy văn học tiếp tục đổi mới, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ: Xã hội phát triển nhanh, con người cũng thay đổi nhanh chóng, xuất hiện những vấn đề mới, lớp người mới mà nhà văn chưa theo kịp. Chẳng hạn, vấn đề của nông dân, nông thôn thời trước khác hẳn với vấn đề của nông dân, nông thôn hôm nay. Hình ảnh người công nhân trong thời buổi hội nhập khác xa với nhân vật công nhân trong tác phẩm của các nhà văn đi trước. Bên cạnh đó, còn hàng loạt nhân vật khác mà văn học ta chưa chạm tới được. 

Muốn xây dựng được con người mới, nhà văn phải khám phá ra những phẩm chất, đặc trưng của con người của giai đoạn này đã. Đó chính là thách thức của văn học hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học: Trong xã hội hiện đại, văn chương cần thể hiện vai trò cầu nối gắn kết con người với con người, con người với thiên nhiên. Văn học bám sát cuộc sống, đề cao yếu tố nhân văn, dân chủ nhưng luôn gắn liền với quyền lợi, số phận, khát vọng của dân tộc. Nói cách khác, nhà văn phải tư duy về số phận con người trong mối quan hệ với số phận cộng đồng; phản ánh về các thành phần, giai cấp xã hội trong phạm vi rộng của nhân loại.

Hà Dương ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần hình thành con người mới của thời kỳ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.