(HNM) - Những năm gần đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn những chất liệu dân gian, văn học, lịch sử để đưa vào sản phẩm âm nhạc. Trong đó có không ít video âm nhạc gây được tiếng vang, thậm chí tạo thành trào lưu trong giới trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp âm nhạc Việt Nam giữ gìn bản sắc và khẳng định được tầm quan trọng của những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Trước hết, việc quay trở lại với âm nhạc giàu bản sắc dân tộc là một xu hướng toàn cầu. Thực tế hiện nay, hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang âm hưởng dân gian, truyền thống. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ nước ta khai thác chất liệu này là phù hợp xu hướng và làm tăng thêm cơ hội đưa âm nhạc Việt ra thế giới. Thứ nữa, các nghệ sĩ trẻ đã biết cách sáng tạo, tìm được những chi tiết đắt giá để gợi mở, khiến những giá trị tưởng chừng đã cũ trở nên hấp dẫn, đầy sức sống, đáp ứng được thị hiếu của khán, thính giả trong thị trường âm nhạc.
Phát triển những sản phẩm âm nhạc giàu bản sắc dân tộc là hướng đi rất mới mẻ, tích cực. Song, giữa thị trường âm nhạc sôi động với nhiều dòng nhạc ngoại nhập như hiện nay, để hướng đi đó tạo ra một bước đột phá cho âm nhạc Việt Nam, thách thức đặt ra với các nghệ sĩ, các đơn vị sản xuất âm nhạc và cơ quan quản lý không hề nhỏ.
Để làm được điều này, các đơn vị đầu tư, sản xuất âm nhạc, bên cạnh yếu tố lợi nhuận cần chú trọng nội dung, chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, những ca khúc sáo rỗng về ca từ, giai điệu, nghèo nàn về ý tưởng... thì "tuổi thọ" luôn rất ngắn dù lúc mới ra mắt có thể rất nổi. Do đó, việc trau chuốt về câu chữ, đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh luôn hết sức cần thiết… Bên cạnh đó, để các sản phẩm mới tiếp cận với khán giả nhanh nhất, công tác truyền thông nên được quan tâm và đẩy mạnh. Việc này cần triển khai bằng nhiều kênh, bên cạnh phương tiện thông tin đại chúng sẽ không thể thiếu việc tổ chức giới thiệu các video âm nhạc trên mạng xã hội, các diễn đàn dành cho giới trẻ...
Với cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, ngoài việc tạo thuận lợi cho các sản phẩm âm nhạc ra đời, cần đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc, video âm nhạc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những sản phẩm kém chất lượng, nội dung không lành mạnh… Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nghệ sĩ trẻ bằng cách tôn vinh kịp thời những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc.
Về phía các nghệ sĩ, tiếp tục có sự tìm tòi và sáng tạo để có những sản phẩm âm nhạc mang giá trị chân - thiện - mỹ, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Cần chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, tìm hiểu và đầu tư công sức, kỹ năng biểu diễn; không ngừng học tập, bổ sung trình độ chuyên môn, vốn sống, sự trải nghiệm để chuyển tải chất liệu dân gian, văn học vào sản phẩm âm nhạc. Chỉ có sự tâm huyết, tinh thần làm nghề thực thụ, đồng thời sáng tạo, làm mới chất liệu dân gian một cách phù hợp thay vì máy móc, rập khuôn, mới tìm được chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc vốn ngày càng kỹ tính.
Kho tàng văn hóa truyền thống (văn học, lịch sử...) của dân tộc với những điển tích, điển cố, nhân vật vô cùng nhân văn, đẹp đẽ, là kho trầm tích quý giá. Chung tay khai thác những giá trị này để tạo ra những sản phẩm chất lượng không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông mà còn giúp âm nhạc Việt Nam hòa nhập không hòa tan, đến được với khán, thính giả quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.