(HNM) - Kiên Giang những ngày này đang sáng thêm niềm vui. Vùng đất cách mạng ở phía Tây Tổ quốc đang đổi thay từng ngày. Tuyến đường liên thôn, liên xã nối với khu căn cứ U Minh Thượng vừa chính thức khánh thành, tiếp thêm sức sống mới cho người dân miền Tây.
Người dân Khơme có cuộc sống ổn định từ dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương” tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Ảnh: Trung Hiếu |
(HNM) - Kiên Giang những ngày này đang sáng thêm niềm vui. Vùng đất cách mạng ở phía Tây Tổ quốc đang đổi thay từng ngày. Tuyến đường liên thôn, liên xã nối với khu căn cứ U Minh Thượng vừa chính thức khánh thành, tiếp thêm sức sống mới cho người dân miền Tây.
Những ngôi nhà mới, khang trang, vùng "cỏ bàng" trải dài mát rượi… đã giúp đổi thay cuộc sống của người dân miền sông nước. Thành quả ấy có được, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương phải kể đến sự vận dụng sáng tạo của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang trong công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Đường liên xã Thạch Yên - Hòa Chánh - Vĩnh Hòa dẫn vào khu căn cứ Tỉnh ủy ở huyện U Minh Thượng vừa khánh thành với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, ông Lê Văn Hồng (Hai Hồng), Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là những xã có chi bộ đầu tiên của tỉnh Kiên Giang và nơi đóng quân của các lực lượng vũ trang, dân - quân - chính - đảng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Con đường bê tông này dài 23,5km, rộng 3,5m, vượt qua 15 cây cầu kiên cố, đưa vào sử dụng từ ngày 16-9-2010 đã giải quyết được phần lớn nhu cầu về giao thông nông thôn, đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Công trình không chỉ đánh dấu sự đổi thay về diện mạo vùng nông thôn mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trao đổi với chúng tôi, bác Trịnh Văn Sủi, 87 tuổi, ở ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh cho biết: "Ngày xưa đi lại cực lắm. Người lớn vất vả đã đành, thương nhất vẫn là tụi nhỏ. Mùa nước lên, cầu khỉ trơn trợt, đường lầy lội sình bùn… khiến nhiều cháu không thể đến trường. Giờ thì khác. Đây đúng là công trình thế kỷ. Chúng tôi sẵn sàng hiến thêm đất để Nhà nước mở rộng con đường". Còn theo chị Dương Thị Bé, ở ấp Vĩnh Hưng, xã Hòa Chánh: "Ngày xưa đi lại khó khăn bộn bề, nhiều lúc phải lội nước. Bây giờ có đường mới, giao thông thuận tiện, dân phấn khởi lắm, mừng lắm".
Tính đến nay, qua vận động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, các đối tác đã tài trợ số tiền hơn 360 tỷ đồng để phục vụ các công trình giao thông nông thôn và người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, những dự án đang triển khai như "Làng cầu vồng" (dự án xóa bãi rác) do Tổ chức Habitat tài trợ với tổng kinh phí 875.000 USD, xây dựng 100 căn nhà có đủ điện, nước cho người dân sống trên "núi" rác ở thành phố Rạch Giá, hay như dự án "Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành" do Hội Sếu quốc tế tài trợ với tổng kinh phí hơn 200.000 USD… đã góp phần giúp tỉnh xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Điều đáng mừng là qua các dự án này, các đối tác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lại chính là cầu nối mời gọi thêm các tổ chức đến tìm hiểu và tham gia tài trợ cho các dự án khác, giúp thắt chặt tình đoàn kết giữa Kiên Giang và nhân dân các nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.