Theo dõi Báo Hànộimới trên

Google có thể bị phạt 7 tỷ USD từ Liên minh châu Âu

Theo Lê Phát/Zing| 21/04/2016 08:40

Google có thể bị buộc tội vi phạm luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu vì ưu ái các dịch vụ Google, theo The New York Times.

Các dịch vụ bị cáo buộc bao gồm công cụ tìm kiếm và Google Maps trên các máy Android do họ sản xuất, The New York Times dẫn lời ba nhân vật giấu tên hoạt động cho cả Chính phủ và tư nhân.

Lời cáo buộc thường được gọi trang trọng là Tuyên ngôn Phản đối, có thể được công bố tại Brussels, Bỉ sớm, hoặc trì hoãn tới cuối tháng.

Cáo buộc nói trên là trường hợp mới nhất trong vô số các vấn đề về luật mà các công ty công nghệ Mỹ phải đối mặt với EU. Tổ chức này trừng trị thẳng tay những động thái được cho là tạo ưu thế trong việc tiếp cận dịch vụ số của người dân các nước trong Liên minh Châu Âu.

Google phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm luật bản quyền. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images.


Theo đó, các than phiền về bảo mật, cách Facebook dùng thông tin người dùng, nghi vấn Apple chuyển tiền đến Ireland để gian lận thuế... được mang ra xem xét.

Google phủ nhận vi phạm luật cạnh tranh của châu Âu. Họ còn nhiều tháng để trả lời các cáo buộc từ Ủy ban châu Âu.

“Bất kỳ ai dùng Android có thể dùng hoặc không các ứng dụng Google”, Mark Jansen, một phát ngôn viên của Google trả lời câu hỏi về phần mềm di động của họ. Tuy nhiên, “các nhà lắp ráp phần cứng, nhà mạng có thể quyết định cách người dùng dùng Android. Khách hàng sẽ quyết định ứng dụng mà họ muốn sử dụng”.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu từ chối bình luận.

Mặc cho sự phủ nhận của Google, các cáo buộc có liên quan đến Android, nền tảng chiếm trên 77% thị phần smartphone của châu Âu, sẽ tạo ra một bước lùi đáng kể cho công ty này.

Google đang cố gắng thúc đẩy mảng di động khi máy tính của họ đang đuối sức. Ảnh: Andrew Cowie/European Pressphoto Agency.


Sự kiện này diễn ra vào lúc Google đang củng cố vị trí trong làng di động - thay đổi cách thức người dùng lên mạng - khi mảng máy tính truyền thống của họ đang có dấu hiệu đuối sức.

Các viên chức chống độc quyền của châu Âu cáo buộc Google lợi dụng ưu thế của họ trên thị trường châu Âu nhằm đẩy mạnh các dịch vụ tìm kiếm. Án phạt có thể tới 7 tỷ USD, tương đương 10% lợi nhuận năm của họ. Đây là mức phạt cao nhất theo quy định.

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Thương mại Liên bang tại Washington cũng đang tìm các vi phạm của Google liên quan đến Luật chống độc quyền Mỹ. Các nhân viên tại đây từng điều tra và cáo buộc dịch vụ tìm kiếm của Google vi phạm luật cạnh tranh liên bang. Tuy nhiên, cuối cùng họ không đưa ra bất kỳ hình phạt nào.

Vài quốc gia khác như Ấn Độ hay Nga cũng đưa ra các cáo buộc hoặc mở những cuộc điều tra tương tự nhằm vào Google.

Ngược lại, giới chức Canada tuyên bố hôm 19/4 rằng họ đã ngừng các cuộc điều tra nhưng vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của Google.

Trong khi đó, Apple - công ty thu nhiều lợi nhuận nhất trong làng smartphone - cũng có tích hợp nhiều dịch vụ tự sản xuất, như bản đồ vào di động của mình. Tuy nhiên, hãng chưa từng nhận các nghi vấn tương tự.

Google không thu lợi từ bản quyền các phần mềm Android với các nhà sản xuất điện thoại. Họ kiếm tiền từ các dịch vụ số như quảng cáo trên trình duyệt tìm kiếm.

Hãng đang nắm hơn 80% thị trường hệ điều hành di động trên toàn thế giới, theo thống kê từ Gartner.

Android đang là hệ điều hành có ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu. Ảnh: AP.


Nếu châu Âu yêu cầu Google cung cấp cho các đối thủ quyền truy cập cao hơn vào Android - một trong những hạn chế khiến Google bị nghi ngờ vi phạm luật - gã khổng lồ này sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các dịch vụ di động.

Một phần của các cáo buộc được tuyên bố vào thứ tư (20/4). Bà Margrethe Vestager, Ủy viên chống độc quyền của châu Âu cho rằng, việc ép buộc các nhà sản xuất cài bộ ứng dụng Google có thể làm giảm sức cạnh tranh của họ.

“Mối quan ngại của chúng tôi là các nhà sản xuất phải cài sẵn bộ ứng dụng thay vì họ quyết định sẽ cài ứng dụng nào. Google đã ngăn chặn một trong những con đường lớn nhất nối giữa ứng dụng mới và người dùng”, bà Vestager nói trước khi công bố các cáo buộc.

Theo giới phân tích, vụ việc này đã được dự đoán từ lâu. Vào năm 2013, châu Âu nói rằng họ nhận được một lời than phiền từ FairSearch, một nhóm các đối thủ của Google, bao gồm cả Ocrale và Nokia. Aptoide - một chợ điện tử Android từ Bồ Đào Nha cũng đâm đơn vào năm 2014.

Phản hồi những lời than phiền trên, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng họ sẽ điều tra vai trò của Google trong hệ điều hành Android, và liệu rằng các đối thủ có bị đối xử bất công hay không.

“Người dùng xứng đáng có thêm lựa chọn, cải tiến trên thiết bị và ứng dụng của mình”, The New York Times dẫn lời Thomas Vinjie, Luật sư từ FairSearch. “Một tuyên ngôn phản đối trong vụ việc Android có thể là bước tiến lớn cho cạnh tranh và cả cho khách hàng”.

Google cho rằng quan hệ hợp tác giữa họ và các nhà sản xuất smartphone dùng Android là hoàn toàn tự nguyện, mang lại lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà sản xuất.

Sundar Pichai và các đồng sự đang đứng trước nhiều thử thách pháp lý. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg .


Các cáo buộc này là một trong những thử thách lớn nhất dành cho Sundar Pichai, CEO mới lên năm ngoái của Google. Họ đang thuộc quyền sở hữu của Alphabet.

Vào tháng 2, ông Pichai đã đến Brussels, Bỉ để hội kiến bà Vestager và các chính trị gia châu Âu khác. Eric E. Schmidt, Giám đốc điều hành của Alphabet cũng thường xuyên gặp mặt Giám đốc khu vực để bàn bạc về các vấn đề liên quan đến độc quyền đang kéo dài.

Ông Pichai khá quen thuộc với các vấn đề tương tự. Vào năm 2009, ông viết thư đến các lãnh đạo EU, cho rằng nên khắt khe hơn với Microsoft, khi họ lợi dụng tầm ảnh hưởng trong các nền tảng web. Microsoft cuối cùng phải đóng hơn 3 tỷ USD tiền phạt vì vi phạm luật chống độc quyền của khu vực.

Hiện tại, Google đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng cho cùng vấn đề trên, và đã đến lượt Pichai cùng các đồng sự lên tiếng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Google có thể bị phạt 7 tỷ USD từ Liên minh châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.