Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọng kìm siết chặt

Vân Khanh| 03/03/2011 03:36

(HNM) - Tiếp theo quyết định của Lầu Năm Góc tái triển khai lực lượng Hải quân tại Địa Trung Hải với 8 tàu chiến, 2 tàu sân bay, 1 phi đội máy bay lên thẳng và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ đến gần khu vực Libya, nhiều lãnh đạo phương Tây, dẫn đầu là Thủ tướng Anh David Cameron cũng đang ráo riết hướng đến một vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi.


Các hoạt động quân sự dồn dập suốt 24 giờ qua cho thấy Mỹ và Anh dường như đang chuẩn bị hiện thực hóa tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Libya trong sứ mệnh mà vào thời điểm này chưa được sự đồng tình của Nga, Trung Quốc và Pháp...

Tàu sân bay USS Kearsarge đang trên đường đến Địa Trung Hải.

Động thái của Mỹ cùng đồng minh phương Tây khiến nhiều người liên tưởng tới những gì đã diễn ra tại Bosnia, Iraq... vùng cấm bay có hiệu lực trước khi hành động quân sự được áp dụng. Trên thực tế, tiềm lực quân sự của hai đồng minh chủ chốt ở hai bờ Đại Tây Dương có thể bảo đảm cho một cuộc chiến theo cách thức từng diễn ra. Sự hiện diện của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải cùng tàu sân bay có khả năng nhanh chóng tiếp cận toàn bộ bờ biển Libya. Cùng với đó, việc triển khai nhiều phi đội chiến đấu cơ tại căn cứ Arotiti thuộc đảo Cyprus hay sử dụng các đường băng ở Malta, đảo Sicily của Italia... cũng nằm trong dự tính của Không lực Anh. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện thì lúc này xem ra chưa phải là thời điểm được xác định để Mỹ và đồng minh có một cuộc đổ bộ nhằm chấm dứt sự nghiệp của Tổng thống M.Gadhafi.

Khó khăn lớn nhất chính là tính pháp lý của chiến dịch đang được đề cập. Nếu không có được "giấy phép" là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc, chắc chắn việc đơn phương can thiệp vũ trang vào một quốc gia Arab và Hồi giáo có chủ quyền sẽ một lần nữa gây chia rẽ trong liên minh quốc tế đang hình thành chống lại Đại tá M.Gadhafi. Vết xe đổ Iraq hay Afghanistan dẫn đến những tranh cãi miên man giữa các quốc gia một lần nữa lặp lại. Cho đến thời điểm này, quan điểm chưa cần thiết sử dụng vũ lực của Nga, Pháp và Trung Quốc - 3 thành viên thường trực còn lại tại HĐBA ít nhiều khiến Mỹ và Anh phải chùn bước. Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cũng chưa sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm trước các hoạt động quân sự đang để ngỏ. Đức bóng gió cho biết vẫn chưa tuyệt vọng về các phương pháp giải quyết xung đột và Pháp cũng có quan điểm tương tự.

Trên thực tế, Paris hoàn toàn ý thức được rằng việc cùng cưỡi lên lưng hổ để vào Libya sẽ khiến vị thế của Điện Elysee tại vùng ảnh hưởng truyền thống Bắc Phi bị lung lay.

Trước bãi chiến trường còn ngổn ngang tại Afghanistan và một đất nước Iraq chưa yên bình sau cả thập niên chiến tranh, sẽ là rất mạo hiểm nếu Washington và London dấn thân vào cuộc chiến mới giữa lúc nền kinh tế trong nước đang không ít khó khăn. Không những thế, một hành động quân sự từ bên ngoài nhằm vào Libya lúc này cũng không được chính những "người đối lập" sở tại đồng tình. Phe đối lập dù đã lập "chính quyền" mới tại thành phố phía đông Benghazi đã tỏ rõ chưa sẵn sàng cho sự có mặt của quân đội nước ngoài tại đất nước này.

Vì thế, cho dù như một gọng kìm siết chặt nhưng một hành động quân sự của liên minh Mỹ - Anh nhằm đến quốc gia rộng lớn 1,8 triệu kilômét này dự báo là khó xảy ra trong 24 giờ tới. Và nếu xảy ra, đây không chỉ là cách tiếp cận nhạy cảm gây sốc tại Trung Đông và Bắc Phi đang trong ván bài domino biến động, mà còn là một canh bạc nguy hiểm với uy tín của cả Washington và London. Dẫu vậy, động thái đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của hai cường quốc Mỹ và Anh là bước đi đầy áp lực lên vị Tổng thống sau hơn 40 năm tại vị của Libya.

Bất chấp nội công ngoại kích với diễn biến mới nhất là LHQ đình chỉ các quyền thành viên của Libya tại Hội đồng Nhân quyền, nhà lãnh đạo Libya vẫn không có dấu hiệu cho thấy sẽ rời bỏ quyền lực. Khả năng vị Tổng thống sau hơn 4 thập niên nắm quyền chiến đấu đến cùng là rất cao khi trong tay vẫn còn không ít tiềm lực quân sự. Trong bài phát biểu mới nhất ngày 2-3 được truyền trực tiếp trên truyền hình nhân kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Ủy ban Dân tộc Libya, Tổng thống Muammar Gadhafi nhấn mạnh, người dân nước này được phát huy các quyền của mình thông qua các ủy ban dân tộc và các hội nghị dân tộc; khẳng định ông chỉ đơn thuần là "một biểu tượng" và nêu rõ ông đã trao quyền lực cho nhân dân từ năm 1977. Tổng thống Gadhafi đã bổ nhiệm hai quan chức mới trong Chính phủ, đảm nhiệm các cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp, thay thế những người vừa từ chức.

Ngoài việc nhiều tỷ USD tài sản đang là mục tiêu của lệnh phong tỏa do LHQ, Liên minh châu Âu (EU)... áp đặt và mối quan hệ quốc tế ngày càng co hẹp đang khiến ông M.Gadhafi mất đi nhiều đồng minh bên ngoài. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay khiến không ít người trong thế giới Arab tin rằng, đất nước vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi quan niệm sắc tộc này đang đứng trước nguy cơ nội chiến và biến Libya thành một Somalia thứ hai tại châu Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gọng kìm siết chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.