Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọng kìm siết chặt

Trung Hiếu| 24/06/2010 07:25

(HNM) - Từ thời điểm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết lần thứ IV (ngày 9-6), trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này, đến nay, những diễn biến mới nhất lại bắt đầu khi một chiến đoàn hải quân hùng hậu của Mỹ và đồng minh tiến vào vịnh Persian - nằm giữa bán đảo A rập và vùng Tây nam Iran - khiến dư luận hết sức lo ngại.

Tàu sân bay Mỹ USS Harry S.Truman được cho là đã có mặt tại Vịnh Persian.


Cùng thời điểm, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào những mặt hàng có thể sử dụng vào hai mục đích (dùng vào chương trình hạt nhân và ngành dầu khí Iran) thì, hành động quân sự này khiến người ta liên tưởng đến một gọng kìm "nóng" bên cạnh gọng kìm ngoại giao đang siết chặt quanh quốc gia Hồi giáo này.

Như vậy, chỉ 4 ngày sau khi Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố cuộc khảo sát, với 24.000 người ở 22 quốc gia khác nhau, cho kết quả phần lớn các quốc gia phương Tây và một số nước Hồi giáo sẵn sàng cân nhắc hành động quân sự chống Iran để ngăn nước này có vũ khí hạt nhân thì (ngày 21-6), mạng tin tình báo Israel "Debka" tiết lộ một thông tin gây "sốc" rằng, một hải đoàn tàu chiến (10 chiếc của Mỹ, 2 chiếc của Israel và Đức), từ Địa Trung Hải băng qua kênh đào Suez, biển Hồng Hải đã đến vịnh Persian. Đây là hành động được cho là nhằm tạo thế răn đe mới đối với Iran. Trước đó, từ ngày 6 đến 10-6, đội tàu tấn công hùng hậu do tàu sân bay Mỹ USS Harry S.Truman dẫn đầu đã triển khai ngoài khơi phía Tây nam Israel 50 hải lý. Đội tàu này bí mật diễn tập đánh chặn tên lửa và rocket của Iran, Syria và Hezbollah. Trong 5 ngày diễn tập, 60 máy bay ném bom F/A-18E/F Super Hornet do không quân Israel thực hiện đã ném bom nhằm vào những mục tiêu chỉ định.

Cho dù, cả Washington và Tel Aviv đều không công khai thông tin về cuộc tập trận này nhưng sự di chuyển của cả một đoàn tàu chiến lớn nhất từng đi qua kênh đào Suez trong vài năm trở lại đây đã chẳng giấu được ai và làm nóng bầu không khí vốn đã oi nồng ở vùng Vịnh. Cuộc rẽ sóng lớn của Hải quân Mỹ và đồng minh đã phát thông điệp cứng rắn tới Tehran.

Từ thời điểm Nghị quyết trừng phạt lần thứ IV của LHQ đối với Iran đến nay, các công ty tư nhân nước ngoài đã bắt đầu lảng tránh các mối quan hệ vốn có với Iran. Các thể chế tài chính lớn đều giảm hoặc cắt hoàn toàn quan hệ với Iran, nhiều công ty trong lĩnh vực: bảo hiểm, tư vấn, năng lượng và sản xuất cũng đưa ra những quyết định tương tự. Các biện pháp trừng phạt của LHQ cũng liệt hàng chục công ty đóng tàu công nghiệp và quân sự Iran vào danh sách đen, đồng thời thắt chặt các lệnh cấm vận vũ khí và tăng cường kiểm tra các tàu hàng vào ra từ quốc gia này. Trong một động thái mới, ngày 21-6, các nghị sĩ Mỹ cho biết, họ đã hoàn tất một thỏa thuận về những biện pháp trừng phạt đơn phương mới nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran bằng cách nhằm vào các đối tác tài chính của Tehran. Nga, Trung Quốc, hai quốc gia có quan hệ kinh tế mật thiết với Iran và nhiều lần phản đối các lệnh trừng phạt, cũng đã ủng hộ các biện pháp mới. Bằng chứng rõ nhất là quyết định mới đây của Nga là không chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran.

Rõ ràng, các lệnh trừng phạt mới, cùng với các biện pháp đơn phương của Mỹ, EU và các quốc gia khác, đã và đang đẩy Iran ra ngoài nền kinh tế toàn cầu. Một câu hỏi được đặt ra rằng, hiệu quả của những biện pháp trừng phạt này đối với nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân sẽ là gì? Chắc chắn việc tìm ra câu trả lời không hề dễ dàng, nhưng điều thấy rõ là căng thẳng sẽ gia tăng rất nhiều trong quan hệ giữa Tehran và phương Tây, làm tan biến hy vọng tìm giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hiện nay. Về phần mình, Tehran cũng có những đáp trả mạnh mẽ, ngày 19-6, Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Ali Ahani tuyên bố, Iran sẽ đáp trả "thích đáng và mạnh mẽ" việc EU theo đuổi các biện pháp trừng phạt Tehran và khẳng định những biện pháp trừng phạt không thể ngăn cản được nỗ lực làm chủ công nghệ hạt nhân, cũng như quyết tâm giành quyền lợi chính đáng của Chính phủ và nhân dân Iran trong việc khai thác công nghệ hạt nhân dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Mới đây, ngày 22-6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho biết, nước này đã yêu cầu IAEA thay đổi 2 thanh sát viên với cáo buộc những người này đã vi phạm nguyên tắc, đưa ra báo cáo sai sự thật - dấu hiệu thể hiện sự cảnh giác cao đối với hoạt động của các thanh sát viên nước ngoài nhằm bảo vệ uy tín và bí mật quốc gia của Iran…

Không ai có thể dự liệu cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran sẽ đi đến đâu. Thế gọng kìm đang được Mỹ và các nước phương Tây siết chặt có thể thổi bùng thành "đám cháy" lớn vào bất cứ lúc nào tại vùng Vịnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gọng kìm siết chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.