Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gói trong chữ “tín”

Thế Phương| 29/09/2011 06:26

(HNM) - Tại buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ không đồng tình với việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và điện luôn kêu lỗ và đề nghị tăng giá các mặt hàng này.


Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã có Nghị định 84 khẳng định thị trường hóa kinh doanh xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước, theo đó doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này chưa thực sự hiệu quả. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính và Công thương thực hiện nghiêm túc nghị định này để bảo đảm giá của các mặt hàng cơ bản tiến tới theo quy luật của thị trường và được công khai minh bạch trước Nhà nước, Chính phủ và nhân dân…

Như vậy, có thể hiểu trong thời điểm này, giá điện và xăng dầu sẽ không tăng. Đây là tin vui thật sự đối với các doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ, nếu tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu này tất yếu sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng theo. Các ngành có mức tiêu thụ điện cao như cán thép, sản xuất giấy, sản xuất nhôm, hóa chất, xi măng... sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Giá xăng dầu tăng còn tác động tiêu cực đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Giá sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng do chi phí cho điện xăng dầu tăng gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, một trong những nguyên nhân của lạm phát là những vấn đề về giá. Từ lâu, với các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước luôn phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, trong cùng một lúc phải giải hai bài toán khó: Thực hiện hai mục tiêu lớn là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hướng tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là vấn đề không đơn giản. Khoan nói đến những quy luật vận động kinh tế, Nhà nước không đủ "sức" để tiếp tục bù lỗ cho các doanh nghiệp điện và xăng dầu. Do vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu này sát hơn với thị trường là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ còn là thời điểm và lộ trình.

Trong việc điều chỉnh này, Nhà nước cần sự chung sức, sự sẻ chia của người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và người dân sẽ phải làm quen với việc điều hành linh hoạt giá điện, giá xăng dầu của Nhà nước. Tất cả cùng phải linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường là một đòi hỏi tất yếu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải năng động hơn trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với sự tăng giảm giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu. Có lẽ cùng với việc cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí không cần thiết cũng là một giải pháp để bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào. Theo kết quả khảo sát ở nhiều doanh nghiệp, các khoản phí không tạo ra giá trị gia tăng của doanh nghiệp chiếm từ 2-10% trong tổng chi phí - một con số không nhỏ.

Các nhà kinh tế đưa ra lời khuyên: doanh nghiệp cần nhận biết rõ "sức khỏe" của mình, để phát huy nội lực, hoạt động hiệu quả thông qua quá trình cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng hiểu rất rõ điều đó. Còn với người dân thì sao? Thể chế thị trường định hướng XHCN đã và sẽ tạo ra sự khởi sắc trên đất nước Việt Nam - người dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng điều đó.

Vấn đề còn cấn cá với việc Nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu chỉ ở hai từ "công khai", "minh bạch" mà thôi, bởi gói gọn trong đó là chữ "tín". Và đây cũng là lời giải cho hai bài toán khó mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gói trong chữ “tín”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.