(HNMO) – Trong 3 ngày (từ 27 – 29/9/2013), tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội đã diễn ra Ngày hội Thực phẩm Chức năng Quốc tế lớn nhất ở Việt Nam với tên gọi I3F Việt Nam 2013.
Tại cuộc hội thảo. |
Nổi bật nhất là 2 hội thảo chuyên đề được tổ chức trong ngày 28/09/2013 với chủ đề chính xoay quanh 2 vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng tại Việt Nam, gồm: Chiến lược phát triển Ngành thực phẩm chức năng Việt Nam từ 2013- 2020, tầm nhìn đến 2030; và Dược thảo Thực phẩm chức năng. Với chủ đề trên, I3F Việt Nam 2013 đã cố gắng tạo ra được diễn đàn nhiều chiều vừa mang tính thương mại, vừa mang tính chuyên môn về thực tế thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam.
Dược thảo Thực phẩm chức năng – Vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp
Theo những số liệu ghi nhận được, trong 10 năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất và lượng. Tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng số lượng danh mục sản phẩm sản xuất trong nước chúng ta đã có trên 2300 sản phẩm chiếm khoảng 40% tổng số sản phẩm lưu hành. Với năng lực sản xuất như vậy, hàng năm nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam là khoảng từ 50.000 đến 70.000 tấn. Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 3.948 loài thực vật, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật và trên 50 loại tảo có khả năng làm thuốc. Nghịch lý ở chỗ, trên 80% sản lượng và gần 500 danh mục dược liệu này là nhập khẩu trong khi tiềm năng dược liệu của Việt Nam lại rất lớn và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiều hơn cho sản xuất. Trên thực tế, chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Nguy hiểm hơn, các nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng chưa phải là nguồn nguyên liệu sạch, nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất thực phẩm chức năng. Kết quả từ một đợt tổng kiểm tra và kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm của Bộ Y Tế cho thấy, trong số 60 mẫu được kiểm tra thì có tới 60% không đạt tiêu chuẩn. Như vậy, về mặt nguyên liệu, chúng ta không những chưa sử dụng được đúng mực nguồn thảo dược của Việt Nam vào chế biến thực phẩm chức năng như tiềm năng sẵn có mà còn khó đảm bảo được chất lượng nguồn nguyên liệu để cho ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Nhận thức được vấn đề này, tới nay, chúng ta cũng đã bắt đầu xây dựng được các vùng dược liệu trọng điểm, nhưng so về tiềm lực và quy mô thì vẫn chưa tương xứng. Ngoài Viện nghiên cứu Dược liệu tại Hà Nội, Viện còn có một số trung tâm dược liệu vệ tinh như Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm dược liệu Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, Trung tâm trồng cây thuốc SaPa, Trung tâm chuyển giao KHCN và phát triển dược liệu … Bên cạnh đó, một số vùng chuyên canh dược liệu đã được hình thành trên khắp đất nước.
Xét tính chất phức tạp và chưa hiệu quả của công tác dược liệu tại Việt Nam, buổi hội thảo về “Dược thảo Thực phẩm Chức năng” đã đưa ra rất nhiều các vấn đề cần bàn thảo. Từ những báo cáo khái quát về công tác dược thảo, đánh giá đầy đủ tiềm năng và định hướng phát triển nguồn dược liệu vào sản xuất, phương hướng nghiên cứu và phát triển công tác sản xuất dược liệu thực phẩm chức năng, đến giới thiệu các công nghệ tiên tiến hiện đại đã được ứng dụng vào sản xuất thành công các nguồn dược thảo thành thực phẩm chức năng. Đáng chú ý là tại buổi Hội thảo này, lần đầu tiên Tập đoàn Tân Hiệp Phát – một trong những nhà sản xuất đồ uống hàng đầu tại Việt Nam đã giới thiệu về công nghệ chiết vô trùng ASEPTIC trong sản xuất đồ uống đóng chai. Với những ưu điểm nổi bật là giữ sản phẩm được tự nhiên nhất là đối với sản phẩm nhạy cảm với tác nhân nhiệt, trọng lượng bao bì nhẹ, ít bị bể vở trong quá trình vận chuyển nên tiết kiệm chi phí sản xuất hơn những công nghệ khác.
Qua các chủ đề được đề cập và tìm hướng giải quyết tại Hội thảo, mỗi người có thể thấy rõ trách nhiệm và vai trò của các bên liên quan đến dược thảo thực phẩm chức năng. Ở đây, không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước cần làm chặt, làm kĩ hơn nữa công tác quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu, quản lý các doanh nghiệp sản xuất; mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải làm đúng và làm chuẩn công tác này. Thêm vào đó, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp cũng cần phải bắt tay xây dựng cơ chế, kế hoạch và định hướng phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thông qua hai đối tượng liên quan là nhà khoa học – những người làm công tác nghiên cứu nhằm tìm ra cách thức và công nghệ ứng dụng trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam vào sản xuất; và nhà nông – những người sẽ trực tiếp chăm sóc và phát triển nguồn nguyên liệu này tại các địa phương.
Chiến lược phát triển Ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam – Cấp bách và cần thiết
Xuất phát từ thực tế phát triển của thị trường với tốc độ ấn tượng là hơn 100 lần cả về số lượng doanh nghiệp và danh mục sản phẩm trong vòng 13 năm từ 2000 – 2013, đã cho thấy tính cần thiết phải có những định hướng rõ ràng hơn và cơ chế quản lý hữu hiệu cho thị trường Thực phẩm chức năng Việt Nam và tính cấp thiết phải phát triển Thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển đúng hướng, đúng tầm và thành ngành được công nhận có chính sách hoạt động riêng biệt. Đây cũng chính là mong muốn của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm quan làm việc tại các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cuối năm 2012 khi đặt kì vọng sẽ xây dựng Thực phẩm chức năng Việt Nam thành một ngành Kinh tế Y tế xứng tầm và hiệu quả của đất nước. Không nằm ngoài mong muốn ấy, việc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Chiến lược phát triển Ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam được đánh giá là thức thời và hợp lý tại thời điểm này.
Giảo cổ lam – Một loại dược thảo quý trong thiên nhiên Việt Nam. |
Trong Hội thảo về chiến lược phát triển Ngành thực phẩm chức năng Việt Nam từ 2013- 2020 có 3 vấn đề được chú ý nhiều nhất là: Tính cấp thiết của chiến lược, thực tế quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam và chiến lược cụ thể để phát triển Ngành thực phẩm chức năng Việt Nam từ năm 2013-2020, tầm nhìn 2030. Xoay quanh các vấn đề này, những chuyên gia, nhà chuyên môn đã có bàn thảo cụ thể về cách thức, đường hướng, bước đi cụ thể để từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển một chuỗi khép kín từ nguyên liệu – nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh các sản phẩm Thực phẩm chức năng Việt Nam, kết hợp hài hòa với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của sản phẩm nhập khẩu.
Tại Việt Nam, một trong những vấn đề cần làm trước và làm ngay chính là việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức chưa đúng của người tiêu dùng về Thực phẩm Chức năng. Hiện nay, việc nhận biết thực phẩm chức năng với thuốc hay các thực phẩm đồ uống thông thường vẫn còn chưa rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm Number 1 Vitamins mới được tung ra thị trường gần đây của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhiều người tiêu dùng chỉ nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là một loại thức uống giải khát, nhưng thực tế đấy chính là một loại thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng. Tình huống tương tự cũng xảy ra với rất nhiều các sản phẩm bào chế có hình dáng và cách dùng giống thuốc khác trên thị trường. Thêm vào đó là việc làm chưa đúng trong khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và cách thức kinh doanh sản phẩm sai đã làm cho định kiến của người tiêu dùng với thực phẩm chức năng càng trở nên tiêu cực.
Nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam không phải chỉ là một hiện tượng bùng phát nhất thời, mà đó chính là những dấu hiệu của xu hướng tương lai khi mà thực phẩm chức năng giàu vitamin tất yếu sẽ trở thành một trong những nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá và là “vacxin” phòng những bệnh mãn tính không lây giúp hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Để bắt kịp xu thế đó, thực phẩm chức năng Việt Nam thực sự cấp thiết phải phát triển thành ngành được quản lý và hoạt động hiệu quả trong một tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.