Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góc khuất nơi phố biển

Đình Lâm| 27/10/2014 06:26

(HNM) - Hơn chục năm trước, trong một chuyến công tác, tôi thuê xe vào thăm làng phong Núi Sạn và xóm Nhỏ thuộc phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang (tỉnh Khách Hòa)...


Vượt qua nỗi đau

Chúng tôi mở đầu câu chuyện với bà Nguyễn Thị Hoa với bi kịch đau thương của đời mình cũng như nhiều nạn nhân khác khi bị vi khuẩn Hansen "tuyên án tử" từ đôi bàn tay quắt queo, không còn đủ ngón. Hơn 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Hoa đã có đến 30 năm gắn bó với làng phong Núi Sạn. Chừng ấy thời gian, đủ cho bà chứng kiến biết bao thăng trầm của những phận người bệnh tật và từng một thời bị người đời xa lánh. 

Nhiều tổ chức từ thiện đã đến thăm, tặng quà cho bệnh nhân phong.


Bà Hoa kể: "Tôi sinh ra ở Vạn Giã, lên 8 tuổi đã biết mình bị bệnh phong. Lúc đầu, bệnh rất nhẹ nên chỉ uống thuốc một thời gian ngắn là hết. Nhưng khi vừa vào tuổi 18, căn bệnh tái phát, ăn sập sống mũi và những ngón tay rụng dần. Từ một thiếu nữ nhan sắc có tiếng trong vùng, giờ trở thành bệnh nhân cùi, mọi thứ đã sụp đổ dưới chân. Rất nhiều lần tôi tìm cách quyên sinh nhưng bất thành. Cuối cùng nhờ gia đình động viên, tôi đã tìm đến khu điều trị phong Núi Sạn. Giữa lúc tuyệt vọng, đến đây mới biết có ngôi làng chỉ gồm những người bệnh phong sống với nhau. Họ quan tâm và đối xử với nhau bằng tất cả sự yêu thương của con người. Nhờ những con người cùng cảnh ngộ, bản năng ham sống trỗi dậy mãnh liệt trong tôi. Cũng từ đó, nơi đây trở thành mái nhà chở che tâm hồn và thể xác cho những người mang trong mình căn bệnh quái ác". Vừa nói bà Hoa phóng tầm mắt về phía đầu làng biểu lộ sự hàm ơn.

Làng phong Núi Sạn có từ sau năm 1975. Ban đầu, làng chỉ có một vài bệnh nhân phong sau khi chữa trị bệnh không dám về quê nên đến chân Núi Sạn tá túc. Dần dà, nơi đây đã trở thành nơi ký thác cuộc đời bệnh tật của hàng chục người phong. Đến nay, cả làng có khoảng hơn 60 gia đình bệnh nhân sinh sống. Người ở làng phong có quê quán khắp trong Nam ngoài Bắc, không họ hàng thân thích, giữa họ chỉ có một điểm chung, đó là đều mang trong mình mầm vi khuẩn Hansen. Cũng từ điểm chung ấy, nhiều người đã đến đây sống và đùm bọc nhau như ruột thịt.

Anh Phạm Hải Minh (quê ở Lào Cai, ở đây gần 10 năm) tâm sự: "Đây là nơi sinh ra chúng tôi lần thứ hai, nếu không có làng phong này chắc hẳn không ít người đã tìm đến cái chết. Hoặc có sống thì cũng bị sự tự ti làm hao mòn tâm hồn. Giờ đây làng phong không chỉ có mình người bị bệnh như tôi mà đã có khoảng mấy chục gia đình những người bình thường khác đến đây sinh sống. Giữa họ với những người bệnh không hề có khoảng cách".

Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, cùng với sự cố gắng vươn lên của những người bệnh, cộng đồng không còn thái độ kỳ thị với bệnh nhân phong. Người bệnh ở đây luôn nhận được sự chăm sóc tận tình của tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Da liễu mỗi khi bệnh tái phát. Hết bệnh, họ lại trở về với sự thương yêu, đùm bọc của gia đình và cộng đồng.

Cổ tích giữa đời thường

Cách làng phong Núi Sạn không xa, làng phong xóm Nhỏ (cùng ở phường Vĩnh Hải) còn khang trang hơn rất nhiều. Những căn nhà cao tầng mọc lên san sát. Đời sống của các gia đình ở đây đa số đều khá giả. Trên con đường trải bê tông xanh mát bóng cây dẫn vào nơi ở của những gia đình bệnh phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những nụ cười hồn hậu, mến khách. Thấy người lạ trò chuyện với một gia đình trong làng, nhiều người dân đã kéo đến cùng trò chuyện. Dường như, dù định kiến đã được xóa bỏ thì sự thèm khát hòa nhập với cộng đồng vẫn là một trăn trở của người làng phong.

Trong những câu chuyện ở làng phong xóm Nhỏ và Núi Sạn, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất chính là niềm hạnh phúc vô bờ của họ. Ở giữa nơi tưởng như chỉ có sự đớn đau do bệnh tật thì những câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích lại chính là gam màu chủ đạo cho bức tranh về làng phong hôm nay. Chỉ với 120 bệnh nhân phong, nhưng có rất nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng ở mảnh đất này. Khi được hỏi, ai trong làng phong cũng có thể kể ra hàng loạt cặp đôi mà chồng là người lành lặn lấy vợ bị bệnh phong hoặc ngược lại.

Ấn tượng với những mối tình lãng mạn và đầy dũng cảm ấy, chúng tôi đã tìm đến gia đình chị Đặng Thị Long - người mà làng phong đùa là nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích "tình yêu giữa nàng điều dưỡng và hoàng tử Hansen". Khi được hỏi về tình yêu của hai người, chị Long nhoẻn miệng cười đầy ý nhị: "Tôi và ông xã Trần Công Lộc chẳng cùng quê, không cùng hoàn cảnh. Nhưng không hiểu vì sao trong thời gian chăm sóc anh ở Khu điều trị phong Núi Sạn, nay là Bệnh viện Da liễu tự dưng tình cảm đã đến với hai người. Vượt qua mọi định kiến, tôi với anh đã đến với nhau như một sự bù đắp cho mất mát và đau đớn của bệnh tật. Tình yêu và lễ cưới của chúng tôi cũng lãng mạn như bao cặp đôi lành lặn khác. Và chính diệu kỳ của tạo hóa đã giúp chúng tôi bao năm chung sống hạnh phúc". Nói đoạn, chị lần giở những bức hình kỷ niệm của hai người như một minh chứng cho một tình yêu viên mãn.

Cùng với vợ chồng chị Long, ở đây còn có rất nhiều tình yêu đẹp như thế giữa những bệnh nhân với hộ lý, y tá của Bệnh viện Da liễu. Cụ Lê Văn Cời (quê ở Lạng Sơn) và cụ Phạm Thị Lan (quê ở Đà Nẵng) là một minh chứng khác cho mối tình đẹp nơi làng phong xóm Nhỏ. Vượt qua hàng trăm tuần trăng - thời điểm mà bệnh nhân phong thường bị bệnh tật hành hạ, ông với bà đã nương tựa vào nhau để vượt qua mọi đau đớn. Giờ đã qua tuổi 80, nhưng ông bà đi đâu cũng có nhau. Ông vào viện thì bà chăm ông, bà vào viện ông lại chăm bà. Khi bị chọc đùa, cụ Lan chỉ móm mém cười: "Trẻ cái tình, già cái nghĩa. Bao nhiêu năm ở bên nhau, giờ già lại càng cần nhau hơn".

Lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo, làng phong Núi Sạn và xóm Nhỏ như một góc khuất nơi phố biển Nha Trang. Đi dọc làng phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy trên con đường làng rợp mát bóng dừa. Giờ đây, bọn trẻ đều được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Một số đã đỗ đạt cao và trở thành những người có ích cho xã hội. Chị Đặng Thị Long (làng phong Núi Sạn) khoe: "Nhà tôi có 3 đứa, đứa nào cũng ăn học đường hoàng. Con gái đầu là Trần Thị Hạ Nguyên nay đã hoàn thành luận án thạc sĩ ở Philippines và chuẩn bị về công tác tại quê hương. Đời chúng tôi được như vậy là mãn nguyện rồi". Có một điều đặc biệt, trong số 120 người bị bệnh phong sinh sống ở Núi Sạn và xóm Nhỏ, tuyệt nhiên không gia đình nào có con cái bị lây bệnh từ bố mẹ. Nhìn những đứa trẻ lớn lên ngay giữa làng phong hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh, bà Nguyễn Thị Hoa (ở làng phong Núi Sạn) rưng rưng chia sẻ: "Nhìn các con, các cháu khỏe mạnh, lành lặn tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng".

Rời làng phong, chúng tôi có một cảm giác bình yên rất lạ. Tuy bệnh tật vẫn còn hành hạ không ít người nhưng sâu thẳm trong họ đã không còn sự tự ti. Vượt lên sự mong manh trong giới hạn sống, họ tự xây dựng cho mình gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, những vòng tay dang rộng của cộng đồng đang trở thành động lực để người mắc bệnh phong hướng tới một ngày mai tươi đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất nơi phố biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.