Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gốc của vấn đề tiền lương

Thế Phương| 07/04/2011 06:51

(HNM) - Từ ngày 1-5 tới, lương tối thiểu chung sẽ tăng lên 830.000 đồng/tháng (hiện tại là 730.000 đồng/tháng). Mức lương này được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động nói chung trong các cơ quan, đơn vị.


Trong thời điểm hiện tại, đây là một nỗ lực của Chính phủ. Thế nhưng, với nhiều người lao động, việc nhận thêm lương lúc này chưa khỏa lấp được nỗi âu lo. Lương tăng không theo kịp giá là câu chuyện dài và cái vòng xoáy lương tăng - giá tăng - lương tăng… lâu rồi đã ăn vào tiềm thức của người dân. Tăng lương luôn có lộ trình, đồng thời trong tổng quỹ lương, ngân sách đã dành một khoản để đưa vào lưu thông. Tăng lương tức là tăng lượng cung tiền, chắc chắn sẽ ít nhiều dẫn đến kích cầu tiêu dùng, gián tiếp làm giá cả biến động. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào định lượng được việc tăng lương có tác động thế nào đến thị trường, nhưng chắc chắn việc tăng lương luôn là nhân tố tạo ra tác động tâm lý.

Thoát khỏi cái vòng lương tăng - giá tăng… không đơn giản, nhưng cũng không phải là bài toán không có lời giải. Bởi lẽ, dù thế nào đi nữa thì tâm lý cũng chỉ tác động nhất thời và có mức độ. Nếu đáp ứng được cung - cầu các mặt hàng tiêu dùng, sẽ không dẫn đến tình trạng khan hàng, phần nào hạn chế tác động "ăn theo". Thêm nữa, nếu các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ thị trường, đặc biệt là các loại hình dịch vụ công cộng, chắc chắn sẽ làm dịu những phản ứng tăng giá tức thì như đã từng xảy ra ở những lần điều chỉnh lương trước đây.

Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên ở một khía cạnh nào đó cũng chỉ là tình thế. Vấn đề cốt lõi phải bắt đầu từ việc coi cải cách tiền lương là một đòi hỏi tất yếu, bình thường trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội. Việc tăng lương tối thiểu cho người lao động được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như tốc độ tăng GDP, chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng tiền công trên thị trường lao động... Tuy nhiên tăng lương không gắn với tăng năng suất lao động đã kéo theo hệ lụy tất yếu là đời sống người lao động không tăng. Theo nguyên tắc chung, để bảo đảm phát triển thì tốc độ tăng lương phải thấp hơn tăng năng suất lao động. Nhưng thực tế ở nước ta, vì nhiều lý do không phải doanh nghiệp nào cũng làm được việc trả lương theo hiệu quả lao động, chưa nói việc tăng lương theo năng suất. Với các cơ quan hành chính sự nghiệp điều này càng khó khăn hơn do có rất nhiều cơ chế ràng buộc.

Lương tăng nhưng năng suất lao động không tăng, trong khi giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh hơn, khiến thu nhập thực tế của người lao động ở mức độ nào đó chỉ tăng trên danh nghĩa. Do vậy, cần một lộ trình cụ thể giải quyết từ gốc vấn đề. Và điều này phải bắt đầu từ các chính sách tổng thể về bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời với cải cách tiền lương…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gốc của vấn đề tiền lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.