Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 5-10-2016 về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), cả nước có hơn 267.000 xe ô tô, trong đó có gần 89.000 xe con, gần 17.000 xe khách, hơn 161.000 xe tải và xe chuyên dùng, 269 rơ moóc và sơ mi rơ moóc quá hạn kiểm định thời gian từ 1 tháng trở lên tính đến ngày 31-8-2016.
Cũng theo Cục ĐKVN, tính đến hết ngày 31-12-2016, cả nước sẽ có hơn 23.000 phương tiện xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 5.448 xe cơ giới (gồm xe ô tô tải và xe khách) hết niên hạn sử dụng. Cụ thể, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-06V (quận 7) có 285 phương tiện; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (quận 12) có 472 phương tiện; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (quận Bình Tân) có 471 phương tiện; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50- 03V (quận Thủ Đức) có 700 phương tiện. Còn tại Hà Nội có 2.298 xe sẽ hết niên hạn sử dụng cuối năm 2016.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V cho hay, từ trước tới nay, việc kiểm định thông số kỹ thuật đến việc kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định của Ngành Đăng kiểm rất chặt chẽ. Thế nhưng, do Ngành chỉ có chức năng kiểm định kỹ thuật đối với xe cơ giới tại chỗ nên khi các phương tiện hết niên hạn sử dụng hay quá hạn kiểm định không đến các trung tâm đăng kiểm kiểm tra thì rất khó kiểm soát hết.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, các phương tiện hết niên hạn sử dụng, cụ thể đối với ô tô tải là 25 năm, còn ô tô khách 20 năm, nhưng thực tế một số trường hợp vẫn cố tình đưa các phương tiện này về vùng sâu vùng xa, ở các tuyến đường nhỏ, hoạt động vào khung giờ cơ quan chức năng không bố trí lực lượng tuần tra, hay chạy nội bộ ở một số khu vực… gây khó khăn cho công tác kiểm tra và xử lý. Hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng đối với ô tô con do vấp phải phản ứng từ nhiều phía.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT dù có quyền tịch thu phương tiện nhưng do phương tiện là tài sản của cá nhân nên cá nhân mới có quyền quyết định “số phận” phương tiện sau khi giải quyết xong các thủ tục nộp phạt. Do vậy, việc kiểm soát phương tiện hết "đát” chưa được thực hiện chặt chẽ.
Một khó khăn hiện nay là các bộ phận của phương tiện hết niên hạn sử dụng được nhiều chủ phương tiện tự ý tháo gỡ và lắp ráp vào các bộ phận xe đang còn niên hạn sử dụng. Trong khi, chỉ trừ các bộ phận quan trọng như khung, gầm hay máy móc được kiểm soát chặt, các bộ phận phụ khác rất khó phát hiện khi chủ xe vào kiểm định kỹ thuật tại các đơn vị đăng kiểm.
Về xe quá hạn kiểm định, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN cho hay, hiện không có chế tài xử phạt khi xe quá hạn kiểm đến kiểm định, những xe này chỉ bị xử lý khi lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện khi tham gia giao thông.
Từ tồn tại trên, cơ quan chức năng đánh giá, Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định ra đời rất kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác xử lý cũng như kiểm soát các xe cơ giới hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Trí, Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan kiểm soát các cấp chịu trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các đối tượng này. Trong Chỉ thị, Thủ tướng đã yêu cầu gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc xử lý tình trạng xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện phụ thuộc vào sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát.
Hiện nay, Cục ĐKVN đã xây dựng phần mềm cảnh báo, cập nhật toàn bộ các xe hết niên hạn sử dụng. Mặt khác, Cục đề xuất các phương án kiểm soát xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông như các xe cơ giới sắp hết niên hạn sử dụng. Sau khi kiểm định kỳ cuối nếu đạt tiêu chuẩn, xe cơ giới được dán tem kiểm định có vạch chéo màu đỏ trên mặt trước và cấp giấy chứng nhận kiểm định cũng được đóng dấu màu đỏ, để cơ quan chức năng dễ phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.